Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hệ thống giáo dục đào tạo nói chung, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có hướng dẫn các cơ sở đào tạo chuyển đổi tuyển sinh, dạy nghề từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online).
Người dạy, người học bắt nhịp nhanh
Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã khuyến khích các trường nghề tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các ứng dụng dạy học trực tuyến theo các hướng dẫn đã có và “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo trực tuyến” tại địa chỉ daotaocq.gdnn.gov.vn.
Công tác dạy nghề theo hình thức trực tuyến tại các cơ sở đào tạo trên cả nước ngày càng được hoàn thiện (Ảnh TL). |
Đồng thời, các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo phù hợp tình hình dịch bệnh và quy định giãn cách xã hội tại từng địa phương. Trong điều kiện không thể tổ chức học tập trung, các trường có thể tổ chức giảng dạy nội dung lý thuyết của toàn bộ chương trình bằng hình thức trực tuyến, khi điều kiện cho phép người học quay lại, trường chỉ tổ chức thực hành, thực tập kỹ năng.
Thực tế cho thấy, các trường nghề trên cả nước đã bắt nhịp rất nhanh. Điển hình như tại Bình Dương, 2 trường dạy nghề hàng đầu là Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An đã nhanh chóng triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến vào đầu năm 2020.
Xuất phát điểm với chỉ 1 ngành phù hợp nhất, đến nay hơn 80% ngành học của 2 trường này đã và đang triển khai dạy và học trự tuyến, dự kiến trong tương lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh, dù dịch bệnh được kiểm soát.
Với học viên, việc học nghề online bên cạnh những bỡ ngỡ ban đầu cũng cho thấy nhiều tiện lợi như sự chủ động linh hoạt trong việc học, không gian học tập thoải mái, tài liệu học tập được lưu trữ một cách thuận lợi, tiết kiệm chi phí học tập tối đa, tiết kiệm được thời gian…
Đơn cử, về chi phí, ngoài học phí, tham gia những khóa học qua mạng, người học không mất thêm chi phí đi lại, ăn ở như khi tìm đến tận các địa chỉ dạy nghề. Tùy vào mỗi ngành nghề, mức học phí có sự khác nhau. Chỉ cần trang bị một chiếc smartphone hoặc máy tính, người học có thể kết nối với thầy, cô giáo để tham gia các lớp học nghề online này.
Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, chị Trần Thị Hồng, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa phải cất công ra tận Hà Nội để học làm bánh và pha chế đồ uống phục vụ cho công việc của mình.
Thế nhưng, từ khi dịch bùng phát, các quy định giãn cách không cho phép di chuyển tự do, chị Hồng đã thử tìm hiểu và tham gia các khóa học dạy làm bánh online. Trải qua một vài khóa học, chị Hồng tích lũy được vốn kiến thức và kinh nghiệm nhất định để bắt tay vào thực hành kinh doanh.
Xu hướng phát triển tất yếu
“Khi học online, người dạy và người học sẽ cùng tham gia một nhóm kín trên Facebook hoặc Zalo. Thông qua tính năng gọi video, truyền gửi tập tin là video, thầy trò có thể tương tác với nhau, theo dõi cách làm một cách thuận tiện, dễ dàng không khác gì đang học trực tiếp”, chị Hồng chia sẻ.
Việc học nghề trực tuyến mang lại không ít lợi ích cho người học, đặc biệt là chi phí, thời gian... (Ảnh TL). |
Sau gần 2 năm đối mặt với dịch bệnh, trải qua 4 đợt bùng phát dịch, với các diễn biến ngày càng phức tạp, đến nay nhiều địa chỉ dạy nghề trên địa bàn cả nước đã triển khai hiệu quả mô hình dạy nghề, học nghề trực tuyến.
Truy cập vào website của một số trung tâm dạy nghề, học viên có thể đăng ký học trực tuyến theo mẫu. Ngoài học nấu ăn, làm bánh, pha chế, trang điểm các ngành nghề như sửa chữa điện lạnh, điện tử, thiết kế đồ họa, lập trình web... cũng có thể học trực tuyến. Các tài liệu, video phục vụ việc học được nhà trường đăng tải trên mạng để học viên ở khắp mọi nơi đều có thể dễ dàng tiếp cận.
Điểm cộng của hình thức học tập trực tuyến còn nằm ở chỗ người học có thể xem đi xem lại bài giảng nhiều lần. Với những ưu điểm như vậy, học nghề online hiện thu hút nhiều người, giúp bổ trợ kiến thức cho người học mà không hề bị gò bó về thời gian, không gian. Người dạy cũng tiết kiệm được nhiều chi phí khi vận hành lớp học online.
Ths.Trần Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng đào tạo trực tuyến được coi như một công cụ mới để giảng dạy đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong các yếu tố của quá trình học tập, đó là môi trường, giảng viên, học viên và nội dung.
Học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đang trở thành một nhu cầu cần thiết sau khi các trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, cũng như xu thế của một nền giáo dục mở, linh hoạt trong bối cảnh cuộc cách mạng số.
Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn trong việc triển khai đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, việc học tập trực tuyến vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân lực...
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay rất cần tinh thần chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cơ quan quản lý các cấp, sự tích cực tương tác của người học, sự hỗ trợ của gia đình và xã hội, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Lệ Chi