Kể từ năm 2020 đến nay, các trường trung học phổ thông Ngô Quyền, Nguyễn Huệ (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tổ chức hàng loạt kỳ tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho trên 1.000 học sinh.
Những tín hiệu khởi sắc
Các buổi tư vấn có sự tham gia của các thầy cô, chuyên gia về giáo dục, đào tạo nghề, giúp học sinh tại hai trường Ngô Quyền và Nguyễn Huệ hình thành định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có cơ sở để lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích bản thân và điều kiện kinh tế gia đình.
Các trường nghề trên cả nước đang quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo lao động phổ thông. (Ảnh TL) |
Ths. Nguyễn Thế Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, cho hay khi tham gia chương trình, học sinh được tiếp cận những thông tin chính thức và mới nhất về ngành nghề, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh, chính sách ưu tiên, chương trình học bổng, học phí, cơ hội thực tập trải nghiệm tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc... khi lựa chọn và học tập tại trường.
Các em còn trực tiếp tham quan một số phòng thí nghiệm, thực hành của nhà trường như thực hành Robot Hàn, thí nghiệm điện ô tô, thực hành điện tử công suất, kỹ thuật điện lạnh, điều khiển tự động, công nghệ thông tin… qua đó tiếp cận và tìm hiểu cụ thể về ngành nghề mình mong muốn theo học.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin mới nhất về tuyển sinh, hướng nghiệp của các trường nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định đến với học sinh những năm qua, từ đó giúp các em chuẩn bị những kiến thức cần thiết để chuẩn bị lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai.
Thực tế, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có quy định rõ ràng về dạy nghề trong các trường phổ thông. Trong đó, hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở cấp THCS là nội dung giáo dục tự chọn (dành cho học sinh lớp 8, lớp 9) với thời lượng 70 tiết (2 tiết/tuần). Ở cấp THPT là nội dung giáo dục bắt buộc với thời lượng 105 tiết (3 tiết/tuần).
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành tài liệu dạy học 12 nghề phổ thông gồm làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay, tin học văn phòng, kinh doanh.
Hàng năm, Sở GD&ĐT yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, các phòng GD&ĐT cùng các đơn vị trực thuộc phối hợp để thực hiện giáo dục nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh.
Giải mã những điểm nghẽn
Đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, song việc dạy học cũng như tổ chức các kỳ thi nghề trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo quy định hiện hành, trong khung phân phối chương trình chung của Bộ GD&ĐT, học sinh bậc THCS bắt đầu được học nghề từ cuối năm lớp 8. Ngoài ra, học sinh còn được học hai môn Công nghiệp và Hướng nghiệp.
Hiệu quả dạy nghề cho lao động phổ sẽ giúp học sinh xác định tương lai nghề nghiệp, có hướng đi rõ ràng. (Ảnh TL) |
Tuy nhiên, nội dung của các môn học này còn có những điểm tương đồng, thậm chí còn chồng chéo nhau. Các nghề để học sinh lựa chọn dù khá phong phú, gồm điện, tin học, trồng trọt, may công nghiệp, thêu tay, nấu ăn, nhiếp ảnh, điện lạnh… Nhưng phần lớn học sinh không thể học nghề mình thích mà thường phải theo “số đông” do nhà trường sắp xếp.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, các chương trình dạy nghề được nhiều trường học áp dụng còn mang nặng tính lý thuyết, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh thực hành chưa đảm bảo. Nhiều trường tận dụng đội ngũ giáo viên dạy các môn Vật lý, Tin học của trường làm công tác dạy nghề, có trường chỉ dạy lý thuyết mà không có điều kiện cho học sinh thực hành.
Điều đáng nói, đa số học sinh đều mong muốn học lên THPT và tiếp tục học đại học hoặc cao đẳng. Những học sinh có học lực yếu cũng bằng mọi cách để theo học lên THPT hệ ngoài công lập. Việc học nghề ở cấp THCS vì thế mang nặng tính hình thức, đối phó. Do tham gia học nghề theo kiểu lấy lệ, đối phó, không ít học sinh được cấp giấy chứng chỉ nghề loại khá, giỏi nhưng không bao lâu sau, những kiến thức thu được từ lớp học nghề đã “rơi rụng” hết.
Trước thực tế trên, để việc dạy nghề cho học sinh phổ thông đạt hiệu quả, ngành GD&ĐT, các trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp tại từng tỉnh, từng địa phương trên địa bàn cả nước cần chú trọng hơn công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề cho học sinh, giúp các em lựa chọn được một nghề phù hợp với bản thân, với nhu cầu của địa phương để bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục vào học các trường nghề, trường đại học sau bậc học phổ thông.
Nhật Minh