Nghề nuôi thủy sản đang cho thấy tiềm năng lớn tại Kim Sơn |
Cua biển được xác định là loài thủy sản có giá trị, phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì thế, thời gian qua, huyện Kim Sơn đã có nhiều hỗ trợ về giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề để khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi cua biển theo hướng hàng hóa.
Phát huy hiệu quả
Bước sang năm thứ 2 thực hiện chuyển đổi hình thức nuôi cua từ quảng canh sang thâm canh, chú trọng khoa học – kỹ thuật, anh Mai Văn Lưu (huyện Kim Sơn) đang phát triển thành công 2 ao nuôi,với tổng diện tích hơn 7.000m2, số lượng xấp xỉ 6.000 con cua giống, sản lượng bình quân 1,5 – 3 tấn cua/năm.
“Nhờ được tham gia các lớp đào tạo nghề, tôi nắm vững kiến thức, quy trình sản xuất, giúp năng suất, sản lượng cua tăng lên đáng kể. Các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh được học cũng giúp tôi nâng cao sức đề kháng cho đàn cua, đảm bảo hiệu quả nuôi trong từng vụ”, anh Lưu nhấn mạnh.
Nhờ năng suất, chất lượng cua ở mức cao, giá cua thương phẩm dao động từ 200 - 300 nghìn đồng/kg, mô hình nuôi cua biển của anh Lưu cho lợi nhuận 190 - 250 triệu đồng/năm.
Ở quy mô lớn hơn, HTX thủy sản Kim Trung (xã Kim Trung) hiện đang liên kết, tổ chức sản xuất cho hơn 500 hộ nuôi cua, tổng diện tích nuôi đạt trên 210 ha, trong đó, chủ yếu là nuôi cua vụ 2.
Ông Phạm Văn Kiệm - Giám đốc HTX thủy sản Kim Trung, chia sẻ: “Thời gian qua, nhờ nuôi trồng an toàn, tuân thủ các quy trình về kỹ thuật như kiểm soát lượng nước, PH, phèn, kiềm... nên quá trình nuôi cua của thành viên HTX đem lại giá trị kinh tế ổn định. Bình quân lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha/năm”.
Không chỉ hướng tới lợi nhuận, HTX đang chú trọng đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, giúp các hộ dân có thể tự lực cánh sinh, phát huy hết năng lực để khởi nghiệp.
“Bên cạnh các thành viên HTX, nhiều hộ dân trong và ngoài địa phương sau khi đến HTX học nghề, thăm quan mô hình đã được HTX hỗ trợ (kỹ thuật, giống, vốn, thị trường tiêu thụ…) để tự xây dựng mô hình nuôi cua tại nhà, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, Giám đốc Phạm Văn Kiện cho hay.
Nghề nuôi thủy sản sẽ được huyện Kim Sơn chú trọng đào tạo để phát huy thế mạnh địa phương |
Tiếp tục nhân rộng
Bên cạnh cua biển, tôm cũng đang là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và đang được huyện Kim Sơn đẩy mạnh dạy nghề, nhân rộng các mô hình sản xuất điểm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Thu hoạch 5 tấn tôm thẻ trong vụ nuôi tôm 1 của năm 2019, ông Trần Kỳ (xã Kim Đông) thu về khoản lãi hơn 300 triệu đồng. Vụ này, gia đình ông thả hơn 20 vạn con giống trên diện tích gần 1 ha, sản lượng đạt gần 5 tấn.
“Tuy giá bán năm nay thấp hơn năm trước, chỉ đạt 150 nghìn đồng/kg, nhưng nhờ nắm vững kiến thức, áp dụng đúng quy trình nuôi từ các lớp đào tạo nghề, các ao nuôi của nhà tôi vẫn đảm bảo sản lượng cao, vì vậy, doanh thu vẫn đạt trên 700 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 40%”, ông Kỳ phấn khởi nói.
Cùng chung niềm vui, ông Trần Văn Phan (xã Kim Trung) với 2 ao nuôi tôm thẻ thâm canh cũng cho thu hoạch xấp xỉ 1,1 tấn tôm, cho lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả của nghề nuôi thủy sản trên địa bàn, ông Phạm Văn Hải - Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh (Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình), cho hay: “Việc đẩy mạnh dạy nghề và chuyển giao khoa học – kỹ thuật chính là chìa khóa nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mô hình nuôi thủy sản”.
“Nếu trước đây, các hộ nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật, thì nay, sau khi trải qua các lớp đào tạp, tập huấn, công tác vệ sinh, cải tạo ao đầm được người dân chú trọng, các yếu tố môi trường, an toàn lao động được đảm bảo, giúp năng suất, chất lượng thủy sản tăng lên, giá cả ổn định, sức cạnh tranh mạnh hơn”, ông Hải tiếp tục.
Dự kiến trong thời gian tới, huyện Kim Sơn sẽ đẩy mạnh các chính sách hộ trợ dạy nghề, tập huấn kỹ thuật giúp các HTX, hộ nuôi trồng hoàn thiện quy trình sản xuất, cải thiện môi trường nước; hình thành sản xuất, tiêu thụ theo hướng hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị, mở ra hướng đi hiệu quả, bền vững cho người dân địa phương.
Sáu Ngạn