Hệ thống cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Nam Định đang ngày càng phát triển. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở GDNN, gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở tham gia hoạt động dạy nghề.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả
Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề ở Nam Định cũng đang được quan tâm bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 2.175 giáo viên, cán bộ quản lý công tác dạy nghề, trong đó trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 27,35%, trình độ đại học chiếm 39,72%, 100% nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm...
Công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đang có sự chủ động của "3 nhà". |
Các cơ sở hiện đào tạo trên 110 ngành nghề với quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm, trong đó các ngành, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 36,54%, công nghiệp chiếm 39,82%, thương mại - du lịch chiếm 23,64%.
Những năm gần đây, công tác xã hội hóa GDNN có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương với nhiều ngành nghề, nhiều phương thức phù hợp với nhu cầu của người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, bình quân mỗi năm, tỉnh có hơn 60 HTX, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên phối hợp với các cơ sở GDNN đào tạo nghề cho lao động và cam kết nhận học viên sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thời gian qua, mô hình liên kết “3 nhà” (người lao động, nhà trường, doanh nghiệp/HTX) ở Nam Định phát huy hiệu quả và khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh.
Huyện Hải Hậu được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thành công đề án dạy nghề của tỉnh. Qua khảo sát nhu cầu học nghề thực tế cho thấy người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới. Người dân ở các xã vùng nội đồng muốn học dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có người có nhu cầu học.
Với đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng từ đối tượng, độ tuổi tới khả năng tiếp thu, điều kiện học tập nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung hiệu quả không cao.
Đào tạo lao động chất lượng cao
Để khắc phục những vấn đề phát sinh, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao.
Trung tâm cũng chủ động tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, do đó hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên có năng lực quản lý sau khi học nghề mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
Tỉnh Nam Định sẽ chủ động dạy nghề theo hướng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, HTX. |
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2020 – 2025 tỉnh Nam Định, Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng nhận định, sự chủ động của các cơ sở đào tạo chính là chìa khóa giúp tỉnh đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển GDNN
Ông Trương Anh Dũng cho rằng, tỉnh Nam Định có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn nhân lực, là một trong 10 tỉnh đông dân (1,8 triệu dân) và có truyền thống hiếu học nhất cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo rất cao 72%, nhận thức các cấp chính quyền về GDNN đã có thay đổi rõ rệt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, một tỉnh có truyền thống hiếu học mà chỉ tập trung thu hút học sinh vào học nghề thuộc top "sức học thấp" là vấn đề cần điều chỉnh, bởi đầu vào thấp thì tỉ lệ đầu ra chất lượng cao sẽ khó có thể cao.
Vì vậy, Nam Định cần đầu tư vào phát triển đào tạo nghề theo hướng chất lượng cao. Trong đó, tỉnh phải chú ý rà soát, xây dựng quy hoạch về GDNN cho phù hợp. Tỉnh cần xây dựng Chiến lược phát triển trường chất lượng cao với các trình độ và ngành nghề cụ thể, tiên tiến về quản trị, quy hoạch đất đai, phát triển đội ngũ, xây dựng các ngành nghề mới và tương lai... Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế đầu tư tài chính và cơ chế chính sách để phát triển GDNN.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho biết, mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ sơ cấp, trung cấp. Tối thiểu 45% học sinh tốt nghiệp THPT theo học trình độ cao đẳng, đại học.
Theo đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDNN. UBND tỉnh sẽ làm việc với các bộ, ngành về định hướng phát triển các cơ sở GDNN, chủ động phát triển để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đơn cử, tỉnh phấn đấu xây dựng trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thành trường chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của các HTX, doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Lệ Chi