Theo thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm có trên 200.000 cử nhân đại học thất nghiệp. Tỷ lệ này vẫn ở mức cao, tiếp tục đặt ra bài toán giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại tự tin về cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.
“Bà đỡ” của các trường nghề
Qua khảo sát, trên 90% học sinh, sinh viên các trường nghề ra trường có việc làm. Bên sự nỗ lực trong công tác dạy và học của các nhà trường, sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp trong việc tạo việc làm cho lao động sau học nghề đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Cơ sở dạy nghề bắt tay với HTX, doanh nghiệp giúp học viên tăng cơ hội thực tập, việc làm. |
Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xây dựng thành công mối quan hệ mật thiết với các HTX, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho học sinh đi thực tế, thực tập. Qua các đợt thực tập, hầu hết học sinh của trường được các HTX, doanh nghiệp giữ lại làm công nhân chính thức với mức thu nhập cao, ổn định.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn đã tuyển dụng và đào tạo cho trên 1.000 học sinh với các ngành nghề đào tạo chính như điện công nghiệp, hàn, may thời trang, kế toán doanh nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô, điện dân dụng, cốp pha - giàn giáo.
Đồng thời, nhà trường thường xuyên liên kết với hàng chục HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh có môi trường thực tập tốt nhất. Sau khi hoàn thành khóa thực tập, các HTX, doanh nghiệp đều chủ động thông báo với nhà trường về kết quả rèn luyện của từng học viên và kèm theo thông tin tuyển dụng để học sinh có cơ hội đăng ký vào làm việc.
Nhiều HTX, doanh nghiệp gắn kết với nhà trường, như HTX cơ khí Chiến Thắng (Đồng Tiến, Triệu Sơn), Công ty AMICO Việt Nam, Tập đoàn thép Hàn - Việt, Công ty LILAMA 69, Công ty TNHH NEWWING Bắc Giang, CIENCO 1, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn Thanh Hóa, Công ty CP Cầu 18...
Giải pháp tạo đột phá
Các kết quả từ thực tế chứng minh việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các HTX, doanh nghiệp đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho các học viên sau học nghề.
Anh Đoàn Đức Linh, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội là một trong số rất nhiều sinh viên trường nghề đã có một công việc tốt với mức lương hấp dẫn ngay sau khi tốt nghiệp.
Theo anh Linh, trong quá trình học tập, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đã luôn dạy, đào tạo và tạo những cơ hội mới cho các học viên có những bước tiến tốt hơn trong tương lai. Với anh Linh, sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm tại một nhà hàng 5 sao ở Thủ đô, thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để tăng mối liên kết giữa các trường nghề và các HTX, doanh nghiệp. |
Hay như anh Đoàn Đắc Hạnh, sau khi học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, được tạo điều kiện vào thực tập theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và trở thành lao động của HTX cơ khí Lạng Giang, với mức thu nhập cao.
Ông Đặng Đình Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cơ khí Lạng Giang cho biết, HTX đang tạo việc làm cho 30 công nhân, người lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 7,5-8 triệu đồng/người/tháng. Những năm qua, HTX luôn chú trọng liên kết với các cơ sở dạy nghề trong huyện để tìm kiếm những lao động chất lượng cao.
Có thể thấy, cái “bắt tay” của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các HTX, doanh nghiệp không chỉ tạo nên sự gắn kết giữa đào tạo nghề với thị trường lao động, mà còn tạo ra sự cân bằng về cung - cầu trong công tác đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho học viên.
Để tăng cường sự liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các HTX, doanh nghiệp trong đào tạo nghề nhằm mang lại “lợi ích kép” cho các bên, theo các chuyên gia, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ.
Các cơ quan quản lý cũng chủ động tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các hội nghề nghiệp vào hoạt động dạy nghề, tìm kiếm liên kết với doanh nghiệp, HTX.
Ngoài ra, các địa phương cần ban hành danh mục các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo. Việc này có lợi cho cả HTX, doanh nghiệp và người lao động. Bởi, người lao động sẽ có ý thức hơn trong việc nâng cao tay nghề, còn HTX, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với người lao động.
Lệ Chi