Hiện nay, huyện Mèo Vạc có trên 35.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, hơn 90% lao động ở khu vực nông thôn. Nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề cho nông dân được các cấp, ngành huyện Mèo Vạc triển khai kịp thời, hiệu quả.
Giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống
Đơn cử, năm 2019, huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện phương án trồng dâu nuôi tằm với diện tích 3 ha tại xã Nậm Ban và Tả Lủng. Anh Vàng A Tiến, thôn Nậm Ban, xã Nậm Ban, chia sẻ: Năm 2019, anh được xã chọn trồng thử nghiệm cây dâu với diện tích 1 ha, gia đình đã tiến hành cày ải, làm đất trồng cây dâu. Do chưa có kinh nghiệm, anh được xã, huyện cử đi học tập kinh nghiệm tại một hộ chăn nuôi dâu tằm có uy tín thuộc xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
![]() |
Đông đảo lao động nông thôn tham gia học nghề. |
"Tại đây, tôi được học hỏi quy trình, kỹ thuật, trồng, chăm sóc cây dâu theo phương pháp hiện đại. Sau hơn một năm, cây dâu sinh trưởng và phát triển bình thường, không có sâu bệnh hại, sẵn sàng phục vụ nuôi tằm lấy sợi", anh Vàng A Tiến kể lại.
Đánh giá về công tác đào tạo lao động nông thôn, bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mèo Vạc, cho biết: Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã trang bị cho người nông dân những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi,... giúp họ biết cách phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận, phổ cập kiến thức mới về lĩnh vực được đào tạo giúp họ từng bước sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, tăng năng suất và giá trị hàng hóa trên cùng một diện tích; có cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Theo Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn huyện Mèo Vạc có 1 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, huyện cũng chủ động phối hợp, liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang cũng như các cơ quan, đơn vị của tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hơn 1.500 lao động được tạo việc làm mới
Nhờ đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 2013 đạt 18% thì năm 2019 được nâng lên 36%, ước thực hiện hết năm 2020 đạt 38%. Đặc biệt, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề duy trì trên 80%.
Cùng với đó, huyện còn chú trọng công tác giải quyết việc làm tại chỗ và đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước cho lao động nông thôn; thông qua các hoạt động, như: Tổ chức hội chợ việc làm, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh và Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản tổ chức tuyên truyền, tuyển dụng lao động.
Vào đầu tháng 6/2020, huyện Mèo Vạc phối hợp Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tuyên truyền, tư vấn tuyển lao động đi đào tạo và bố trí việc làm sau đào tạo cho lao động tại các xã trên địa bàn huyện.
![]() |
6 tháng đầu năm 2020, hơn 1.500 lao động được tạo việc làm mới. |
Đồng thời, Mèo Vạc vận dụng nhiều cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất cho người dân, như: Hỗ trợ sản xuất đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, vay vốn về giải quyết việc làm…
Đặc biệt, việc khuyến khích các chủ thể thành lập tổ chức kinh tế hợp tác với nòng cốt là HTX đã giúp tạo thêm việc làm cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có 45 HTX với 414 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn huyện.
Trong gần 6 tháng đầu năm 2020, hơn 1.500 lao động được tạo việc làm mới; trong đó, trên 600 lao động đi làm việc ngoài tỉnh.
Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đã giúp người lao động nông thôn ở huyện Mèo Vạc tiếp cận tìm hiểu mọi thông tin việc làm, được tư vấn chính sách về việc làm, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Tạo điều kiện để người lao động lựa chọn việc làm và học nghề phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình, thúc đẩy công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thy Lê