Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương ở Ninh Thuận đã tập trung đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác này.
Đào tạo gắn với chuyển đổi nghề
Theo đánh giá của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh thuận từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo được 12.112 LĐNT. Trong đó, từ nguồn kinh phí Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tổ chức và đào tạo được 8.651 lao động, đạt 102,08% so với kế hoạch đề ra với tổng kinh phí ước thực hiện 25,4 tỷ đồng.
Tỷ lệ lao động có việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập sau khi học nghề ước đạt 85,87%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,86%. Đã có trên 28,05% lao động được đào tạo chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và hướng đến dịch vụ.
![]() |
Một trong những giải pháp hiệu quả đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT mà tỉnh luôn chú trọng đó là gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm tại các HTX trong và ngoài tỉnh. |
Một trong những giải pháp hiệu quả đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT mà tỉnh luôn chú trọng đó là gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm tại các HTX trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, trong năm 2019 đã tổ chức đào tạo được 626 lao động trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX thuộc các ngành nghề phi nông nghiệp như tại các HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (Ninh Phước), HTX dịch vụ tổng hợp Phước Thắng (Bác Ái), HTX Mông Nhuận (Ninh Phước)…Thu nhập của người LĐ sau học nghề tăng từ 3,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Đào tạo 168 lao động thuộc nghề chế biến thủy sản với tổng kinh phí thực hiện trên 355 triệu đồng tại các HTX thủy sản Phú Thọ (Thuận Nam), HTX Tri Hải (Ninh Hải), HTX chế biến thủy sản Tân Hải (Thuận Nam)…
Đối với đào tạo nghề nông nghiệp, trong năm 2019, Ninh Thuận đã tập trung đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất, chủ yếu là thực hành tại địa bàn sản xuất, phục vụ cho nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn.
Trong đó tập trung vào một số dự án, ngành nghề làm ăn hiệu quả, như: Đào tạo nghề thuyền trưởng-máy trưởng, thuyền viên tại các địa phương ven biển như thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) và các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh (Thuận Nam).
Lao động sau khi đào tạo đã biết sử dụng kiến thức đã học vào trong nghề của mình, đảm bảo điều kiện hành nghề trên biển, được chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ đánh giá rất cao.
Nỗ lực của các HTX
Trong số những HTX làm tốt công tác đào tạo nghề ở Ninh Thuận không thể không nhắc tới HTX Mông Nhuận, huyện Ninh Phước. HTX không những khẳng định được vị thế vững chắc của mình trên thị trường mà còn có sự tăng trường rất khả quan trong công tác đào tạo nghề nông thôn.
Qua quá trình hoạt động, HTX Mông Nhuận luôn chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển ngành nghề nông thôn như: Phối hợp với Trung tâm đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân, Hội nông dân tỉnh mở nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn ở nông thôn như mây tre đan xuất khẩu, cạo vỏ lụa hạt điều... thu hút nhiều lao động và tạo việc làm ổn định cho 460 lao động tại địa phương.
![]() |
HTX Mông Nhuận luôn chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho lao động tại địa phương. |
Ngoài ra, HTX còn liên kết với công ty xuất khẩu nông sản tỉnh giải quyết việc làm cho lao động bóc vỏ lúa hạt điều trong thời vụ nông nhàn, tăng thu nhập thêm cho thành viên...
Ông Đào Văn Phấn, Giám đốc HTX Mông Nhuận cho biết, trong quá trình sản xuất kinh doanh, HTX Mông Nhuận biết chọn ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thích hợp trên cơ sở xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, hiệu quả, có phương án phân phối rõ ràng.
HTX rất quan tâm đến việc đào tạo lao động, tuyển dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn vững, đủ năng lực quản lý, điều hành, năng động sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành công của HTX.
“Trong thời gian tới, HTX tiếp tục tập trung đào tạo nghề và giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động. Kết nạp thành viên mới, tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Đào tạo nghề, gia công sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhằm giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương...Mở đại lý dịch vụ phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng. Trang bị máy móc, nhà xưởng để sản xuất các loại giống đạt tiêu chuẩn. Thu mua nông sản chế biến, hướng đến đăng ký thương hiệu hàng hóa...”, Ông Đào Văn Phấn cho hay.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn, ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐTB&XH Ninh Thuận cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về vai trò đào tạo nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn.
Tỉnh cũng sẽ khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT gắn với các sản phẩm chủ lực, tái cấu trúc ngành nông nghiệp, kế hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động tại các HTX, doanh nghiệp.
"Ưu tiên đào tạo nghề cho LĐNT là người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân…" ông Quang nói.
Minh Thành