Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thành viên được học nghề, HTX phát triển bền vững hơn
HTX sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) là một trong những mô hình vừa phát triển kinh tế vừa chú trọng đào tạo nghề.
Tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân tham gia vào quy trình sản xuất chè sạch. |
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX chè Phú Thịnh chia sẻ, trước đây người dân địa phương sản xuất chè tự phát, mạnh ai người ấy làm. Người dân trồng những giống cũ, sản phẩm là chè búp tươi bán cho các thương lái nên thu nhập thấp, diện tích ngày càng bị thu hẹp.
Ðến năm 2017, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh, HTX chè Phú Thịnh được thành lập với 13 thành viên. Ngay sau khi được thành lập, HTX đã tổ chức cho các hộ học tập kinh nghiệm tại một số đơn vị sản xuất chè có uy tín trong nước, liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc cung ứng những giống chè mới có năng suất, chất lượng thay thế giống chè cũ.
Đồng thời, HTX tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân tham gia vào quy trình sản xuất chè sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện, sản phẩm chè xanh của HTX chè Phú Thịnh đã có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của các thành viên được nâng lên. Người dân đã coi chè là cây mũi nhọn, cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Tương tự, thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Tam Nông đã giúp người dân thay đổi nhận thức, nắm bắt kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của huyện.
Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong đào tạo nghề
Bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ cho biết, kết quả trong giai đoạn 2016-2019, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề là gần 108,6 nghìn người (người dân tộc thiểu số là trên 9,9 nghìn người). Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là trên 10,4 nghìn người (người dân tộc thiểu số là gần 2.000 người).
Việc học nghề giúp cho nhiều lao động nông thôn có thêm lựa chọn việc làm. |
Điều này cho thấy việc tổ chức đào tạo nghề đã giúp trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Phú Thọ đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và truyền nghề đạt 70%, trong đó qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%.
Đồng thời, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và đào tạo nghề phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học.
Các nghề đào tạo cho lao động nông thôn đa dạng, cụ thể theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất. Từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, các làng nghề, HTX trong đào tạo nghề, truyền nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn.
Thy Lê