Mới đây, Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật An Giang phối hợp với Hội Nông dân xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) tổ chức khai giảng lớp nghề kỹ thuật sản xuất và nuôi ếch cho 30 nông dân nuôi ếch ở ấp Khánh Phát.
Giúp nông dân thêm kiến thức
Thông qua lớp học này, các nông dân sẽ nắm bắt kỹ thuật thiết kế mô hình nuôi ếch; dinh dưỡng và thức ăn cho ếch, kỹ thuật nuôi ếch, kỹ thuật cho ếch sinh sản; quy trình phòng và điều trị một số bệnh trên ếch. Và nhờ đó, các nông dân có thể áp dụng kỹ thuật nuôi trên đàn ếch cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ học nghề đã giúp nông dân huyện Châu Phú phát triển nghề nuôi ếch |
Không chỉ với nghề nuôi ếch, là huyện thuần nông nên Châu Phú luôn tận dụng và phát huy việc đào tạo nghề để xây dựng các mô hình chăn nuôi.
Điển hình như việc phát triển được mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học trong trại kín có hệ thống làm lạnh, quy mô 1.400m2, số lượng thả 20.000 con. Hoặc như mô hình sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Mỹ Phú, diện tích 8ha.
Ngay cả việc trồng lúa cũng được chú trọng đào tạo nghề cho nông dân. Đơn cử như trong tháng 7/2020 này, Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật An Giang đã phối hợp cùng xã Đào Hữu Cảnh tổ chức khai giảng lớp kỹ thuật sản xuất lúa hoặc nếp.
Lớp kỹ thuật có thời gian đào tạo nghề trong 20 ngày với 100 giờ thực học cả lý thuyết và thực hành. Hiện nay vào vụ thu hoạch lúa Hè thu của nông dân trên địa bàn xã, giờ học được sắp xếp linh động để phù hợp cho bà con có thể vừa học, vừa làm.
Tham gia lớp học có 30 học viên. Trong thời gian học, các học viên được hướng dẫn các nội dung: Các đặc tính của cây lúa hoặc nếp; hình thể và sự tăng trưởng của cây lúa hoặc nếp; đặc tính sinh lý – sinh thái của cây lúa; kỹ thuật tăng năng suất và kỹ thuật canh tác lúa hoặc nếp; quy trình sản xuất giống lúa hoặc nếp xác nhận; thu hoạch và bảo quản…
Qua lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất lúa hoặc nếp, bà con trong xã được trang bị những kiến thức trong quá trình canh tác lúa, giúp nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác lúa cũng như các khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hỗ trợ canh tác hiệu quả
Trong thời gian tới, huyện Châu Phú sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50% và giải quyết việc làm ở các lĩnh vực cho 6.400 lao động. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,67%/năm (tương đương 400 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1% (tương đương 598 hộ).
Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú còn tạo điều kiện cho nông dân tham gia học hỏi những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng rau an toàn, rau muống lấy hạt, măng tây xanh...
Những năm tới, huyện Châu Phú sẽ quy hoạch các vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tập trung. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 195 triệu đồng/ha; phát triển mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn lên 20ha; nâng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.000ha theo các vùng quy hoạch, trong đó nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 620ha.
Các lớp học nghề nông ở Châu Phú thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia |
Đồng thời, huyện sẽ nâng chất và hỗ trợ thành lập mới HTX, tổ hợp tác đủ năng lực thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất nông sản an toàn, rau màu và mô hình “Cánh đồng lớn” nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho người nông dân.
Để hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả, trong huyện đã có 6 Chi hội nghề nghiệp làm vườn cây ăn trái ở các xã: Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Mỹ Đức, Ô Long Vĩ, Mỹ Phú, Vĩnh Thạnh Trung được thành lập. Bên cạnh đó, còn có Tổ hợp tác sản xuất nhãn xuồng xã Khánh Hòa, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Mỹ Đức và Tổ hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh.
Mặt khác, huyện Châu Phú còn chú trọng hỗ trợ và khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất canh tác.
Thanh Loan