Anh Lâm Tuấn Ngọc - Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (phường Long Trường, quận 9) cho biết anh từng thất bại trong sản xuất nông nghiệp nhưng nhờ địa phương hỗ trợ tham gia các lớp học nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giờ anh không chỉ thạo nghề mà còn có thể dẫn dắt các thành viên cùng sản xuất hiệu quả.
Với tổng diện tích trên 8.000m2, vườn rau Tuấn Ngọc của HTX đang là mô hình trang trại thủy canh lớn nhất và hiện đại bậc nhất tại TP.HCM.
HTX là "lớp học"
Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX không ngừng suy nghĩ, tìm tòi để ngày càng phát triển sản phẩm cũng như nâng tầm và đưa sản phẩm rau sạch đến tay người tiêu dùng. HTX đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức các khóa đào tạo nghề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về trồng rau thủy canh” cho các thành viên.
Thông qua các khóa đào tạo, thành viên HTX được trang bị kiến thức trồng rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh, áp dụng tốt hơn trong sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Theo anh Ngọc, các khóa học này thường diễn ra trong một tháng với hơn 100 giờ học. Các thành viên được chuyên gia nông nghiệp phổ biến những kiến thức về canh tác rau công nghệ cao (thủy canh) qua 5 bài học từ lý thuyết đến thực hành và được đưa đi tham quan, kiến tập ở một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Trong đó, thời gian thực hành chiếm 70% khóa học.
HTX Tuấn Ngọc xây dựng thành công chuỗi giá trị nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề |
Đến nay, các thành viên trong HTX đã nắm bắt và làm việc thành thạo các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản rau trong nhà màng hay cách sử dụng hệ thống thủy canh trên rau cũng như cách lựa chọn loại nhà màng, nhà lưới phù hợp với điều kiện từng vùng…
Nhờ các thành viên nắm vững được các kỹ thuật nên chất lượng rau thủy canh luôn bảo đảm những yêu cầu khắt khe nhất của doanh nghiệp ký hợp đồng. HTX cũng nhanh chóng đưa sản phẩm của mình vào các chuỗi cung ứng rau củ quả sạch. Hiện tại, sản lượng rau mỗi ngày của HTX chỉ đủ cung cấp cho các đơn vị đã ký kết hợp đồng, chưa đủ để cung cấp cho khách du lịch, các đơn vị đến tham quan, trải nghiệm.
Ngoài sản xuất, HTX Tuấn Ngọc còn là nơi để các học viên đến thực hành và học hỏi kinh nghiệm sản xuất uy tín trên địa bàn thành phố. "Nông dân sẽ được tập huấn, chuyển giao thực hành ngay tại cơ sở của HTX trước khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất", Giám đốc Lâm Tuấn Ngọc cho biết.
Có thể thấy, HTX Tuấn Ngọc là đơn vị tiêu biểu của TP.HCM đã phối kết hợp với các cấp ngành một cách hiệu quả trong công tác đào tạo nghề nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn. Người nông dân giờ đây không chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, mà đã biết ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả.
Xây dựng nguồn lao động công nghệ cao
Mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp TP.HCM giai đoạn 2018-2020 và hướng tới năm 2025 là tập trung vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là phát triển các sản phẩm chủ lực nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định. Chính vì vậy, vấn đề đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho lao động nông thôn và thành viên các HTX được TP.HCM rất chú trọng.
Toàn bộ khu vực trồng trọt của vườn rau được trồng theo phương pháp Thủy Canh (Hydroponic) bao gồmhệ thống hồi lưu và hệ thống nhỏ giọt. |
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh về mô hình, chương trình, phương thức đào tạo để giúp lao động nông thôn có thể tiếp cận khoa học kỹ thuật, vận dụng vào sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
TP.HCM đang tập trung hỗ trợ người dân, HTX phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp (rau an toàn, hoa cây cảnh, bò sữa, lợn, chim yến, tôm, nhuyễn thể, cá cảnh) theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Cùng với đó là hỗ trợ sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng hướng đến các loại vật nuôi, cây trồng này theo hướng công nghệ cao.
Hiện, TP.HCM đã có 104 HTX và 1 Liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ chú trọng đào tạo nghề gắn với thực tiễn sản xuất nên đã xuất hiện nhiều mô hình HTX điển hình với những cách làm mới, thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản và đã có sản phẩm xuất khẩu. Tiêu biểu như HTX Hoa lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi), HTX Nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12)... Các HTX đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nông thôn. Đây cũng là điều kiện để các địa phương xây dựng nông thôn mới thành công.
Huyền Trang