Để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề, tỉnh đã chú trọng việc phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây được coi là giải pháp căn bản giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Lợi ích từ chương trình hướng nghiệp
Những năm qua, các trường trung học phổ thông điểm trên địa bàn TP Nam Định như Ngô Quyền, Nguyễn Huệ đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho hàng chục nghìn học sinh.
Công tác hướng nghiệp hiệu quả giúp học sinh phổ thông định hướng tương lai tốt hơn. |
Các buổi tư vấn từ cán bộ trường đào tạo nghề giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có cơ sở để lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình.
Tham gia chương trình, học sinh còn được tiếp cận những thông tin chính thức và mới nhất về ngành nghề, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh, chính sách ưu tiên, chương trình học bổng, học phí, cơ hội thực tập trải nghiệm tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc... khi lựa chọn và học tập tại trường.
Ngoài ra, các em còn trực tiếp tham quan một số phòng thí nghiệm, thực hành của nhà trường như thực hành Robot Hàn, thí nghiệm điện ô tô, thực hành điện tử công suất, kỹ thuật điện lạnh, điều khiển tự động, công nghệ thông tin…, qua đó tiếp cận và tìm hiểu cụ thể về ngành nghề mình mong muốn theo học.
Anh Nguyễn Hoàng Lân, cán bộ tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, đánh giá đây là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin mới nhất về tuyển sinh, hướng nghiệp của trường đến với học sinh, giúp các em những kiến thức cần thiết để chuẩn bị lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Thực tế, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục nghề nghiệp đã được các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua.
Liên tục kể từ năm lớp 9, học sinh trong tỉnh đã bắt đầu được tham gia các lớp hướng nghiệp. Hàng năm, các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ trì phối hợp với các trường nghề lập danh mục nghề cho học sinh tự nguyện đăng ký học.
Các trường phổ thông cũng liên kết với các trường nghề, hoặc với các tập thể, cá nhân có đủ khả năng để tổ chức dạy nghề cho học sinh trên cơ sở đủ thời lượng, nội dung theo quy định, tăng thời lượng thực hành, gắn với thực tiễn…
Thêm giải pháp nâng cao hiệu quả
Hiệu quả của công tác phân luồng, hướng nghiệp giúp giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng phát triển. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở tham gia hoạt động dạy nghề.
Hướng nghiệp hiệu quả giúp giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định phát triển mạnh hơn. |
Các cơ sở hiện đào tạo trên 110 ngành nghề với quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm, trong đó các ngành, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 36,54%, công nghiệp chiếm 39,82%, thương mại - du lịch chiếm 23,64%.
Với thành công hiện tại, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, giúp học sinh có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Đảm bảo cho học sinh được tiếp cận thông tin về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các chính sách ưu đãi học nghề, xu hướng thị trường lao động.
Tỉnh cũng sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông trong các trường học. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và bố trí giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông…
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, định hướng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động. Huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động dạy nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn. Đổi mới chương trình đào tạo nghề để đảm bảo tính thống nhất về mục tiêu đào tạo cũng như nội dung và thời gian đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp...
Mỹ Chí