Tại một tọa đàm trực tuyến do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, các hình thức hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp rất đa dạng, từ việc ký kết các Thỏa thuận hợp tác (MOU), đến chuyển giao công nghệ, xây dựng chương trình đào tạo….
Lợi ích cho cả đôi bên
Ông Ngọc đưa ra dẫn chứng, có những doanh nghiệp như công ty Denso Việt Nam (một doanh nghiệp của Nhật Bản) đã tham gia cùng nhà trường từ thiết kế chương trình, đào tạo học viên, thậm chí đào tạo tay nghề để sinh viên đi thi tay nghề thế giới.
Liên kết với trường nghề giúp doanh nghiệp có được lực lượng lao động lành nghề. |
Thực tế cho thấy, việc đào tạo này không chỉ có lợi cho nhà trường mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động. Sinh viên được tiếp cận việc phát triển kỹ năng hiện tại và các kỹ năng liên quan đến ngành ngay trong quá trình học tập thông qua các cơ hội học tập linh hoạt - tại nơi làm việc, được thực hành máy móc thiết bị mới, sắp xếp công việc khi ra trường…
Những điều trên đồng nghĩa với việc các học viên tăng khả năng tìm được việc làm, có cơ hội lựa chọn mức lương và chế độ làm việc tốt hơn. Còn doanh nghiệp sẽ không mất thời gian đào tạo lại, đào tạo bổ sung nhiều mà có thể sử dụng lao động ngay vào sản xuất.
Tương tự, một trong những giải pháp khiến Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) hàng năm tuyển sinh đều vượt chỉ tiêu và có tỷ lệ học viên bỏ học thấp là do giải quyết được việc làm sau khi ra trường.
Theo ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã chủ động tìm và ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp để cung ứng việc làm cho học sinh, sinh viên. Hàng năm trường thu hút khoảng 2 tỉ đồng hỗ trợ từ doanh nghiệp bằng học bổng, thiết bị..., thậm chí doanh nghiệp đến đặt lao động và họ chấp nhận trả học phí để trường đào tạo.
Để nâng chất lượng, nhà trường mời doanh nghiệp vào xây dựng chương trình học, đưa giáo viên đến doanh nghiệp thực tập để cập nhật kiến thức, học sinh sinh viên có nơi thực tập thực tế...
Đó cũng là cách làm của Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương nên mỗi năm doanh nghiệp đặt hàng hơn 1.000 vị trí việc làm cho trường.
Phá bỏ rào cản, tăng lợi ích
Ngày càng có nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, trường nghề mang lại hiệu quả cao ở Việt Nam, tuy nhiên số lượng thực tế hiện vẫn chưa chiếm đa số. Một phần nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà, tin tưởng vào các trường nghề.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp tích cực tham gia vào đào tạo nghề. |
TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà khi tham gia vào quá trình đào tạo bởi họ chưa hiểu rõ về quyền, lợi ích cũng như trách nhiệm của mình. Hoặc, dù có hiểu, nhưng khi phải thực hiện những giấy tờ, thủ tục phức tạp mới nhận được phần hỗ trợ đó, doanh nghiệp cũng ngại thực hiện.
Ông Vũ Xuân Hùng đưa ra so sánh, tại một số quốc gia, trách nhiệm đào tạo được chia cho cả doanh nghiệp bằng cách nhận đào tạo trực tiếp hoặc đóng góp vào quỹ để đào tạo nhân lực. Nếu doanh nghiệp nào có đào tạo sinh viên thì được miễn giảm hoặc nhận tiền từ quỹ đó.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm nhìn dài hơi đều nhìn nhận và chủ động được việc đào tạo nguồn nhân lực. Còn với phần đông nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, họ không thể tự mình làm được. Do đó, cần truyền thông để chỉ cho doanh nghiệp thấy giải pháp hiệu quả nhất là bắt tay với nhà trường, cùng tạo ra lợi ích ba bên: Nhà trường - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp.
Đồng thời, các chính sách cũng cần phải cụ thể, rõ ràng hơn để doanh nghiệp không bị vướng các rào cản khi tiếp cận, liên kết đào tạo với các trường nghề.
Ở góc nhìn của cơ sở đào tạo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cũng thừa nhận, để tăng tính hấp dẫn với doanh nghiệp, các trường cũng phải tự đổi mới một cách toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
“Điều này có thể được thể hiện qua việc đội ngũ giảng viên tốt, sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp…, từ đó mới tạo sức hút, khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia vào đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng với trường nghề”, ông Ngọc nói.
Có thể thấy, trong mọi mối quan hệ hợp tác, quyền lợi luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, để tạo sức hút cho doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp thì bản thân các trường nghề cũng cần đổi mới, tạo ra lực lượng lao động tay nghề cao, làm được việc. Đồng thời, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề cũng cần được nâng lên…
Hưng Nguyên