Để đáp ứng yêu cầu thực tế, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã từng bước chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Các cơ sở đào tạo, trường nghề phối hợp với các doanh nghiệp, HTX tổ chức tư vấn, tuyển sinh cho lao động phổ thông.
Từng bước nâng chất đào tạo
Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình đang là một trong những cơ sở đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh. Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, trường đã cho "ra lò" trên 10.000 lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Chất lượng cơ sở dạy nghề ở Thái Bình ngày càng được nâng lên. |
Hiện, trường có 5 khoa gồm May - Thiết kế thời trang, Điện - Điện tử, Cơ khí - Động lực, Công nghệ thông tin và Khoa Cơ bản, với 3 trình độ Cao đẳng (350 sinh viên/khóa), Trung cấp và sơ cấp (400 học sinh/khóa). Các khoa đều tổ chức dạy và học theo tiêu chuẩn cao.
Đáng chú ý, nhờ chú trọng liên kết với các doanh nghiệp HTX, nên sinh viên của trường có rất nhiều cơ hội để thực hành, thực tập, trau dồi kỹ năng cơ bản, nâng cao, qua đó chuẩn bị hành trang đầy đủ khi tốt nghiệp, tham gia thị trường lao động.
Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 2001, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) đang là sinh viên năm cuối Khoa May - Thiết kế thời trang, cho biết ngoài việc thực hành tại xưởng thực hành của nhà trường, em còn được thực tập tại các cơ sở, doanh nghiệp may nhiều lần.
“Việc được thường xuyên thực hành giúp các em dễ hình dung kiến thức hơn, hình thành các kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là tự tin bắt nhịp nhanh hơn với công việc sau khi ra trường. Hiện, em đã được hứa nhận vào một doanh nghiệp may ở TP. Thái Bình, chỉ đợi tốt nghiệp là đi làm”, Thảo tiết lộ.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình Phạm Hồng Khang cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp (trung bình 10 - 15 doanh nghiệp/năm), tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được thực hành.
Theo ông Khanh, nhờ chủ động trong liên kết dạy nghề với doanh nghiệp, HTX, mỗi năm nhà trường có 500 - 700 học sinh, sinh viên tham gia vào thị trường lao động sản xuất. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 100%.
Nắm bắt xu hướng thị trường
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thái Bình cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 4 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 18 trung tâm, trong đó 8/8 huyện, thành phố đều có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 165.750 lao động, bình quân đạt 33.130 lao động/năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 173.000 người.
Giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đào tạo cái thị trường cần bên cạnh cái mình có. |
Để hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, việc nghiên cứu, nắm bắt xu hướng thị trường, nhu cầu thực tế của xã hội được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường nghề hàng đầu đi trước một bước.
Cụ thể, các trường nghề đã chủ động rà soát lại, điều chỉnh cơ cấu các ngành nghề đào tạo thông qua khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, HTX tại các địa phương với phương châm “đào tạo những ngành nghề mà HTX, doanh nghiệp, địa phương, người dân đang cần, chứ không chỉ đào tạo những cái nhà trường đang có.
Đơn cử, Trường Đại học Thái Bình bên cạnh các ngành chính quy hiện cũng đang tổ chức các lớp trung cấp, sơ cấp nghề. Ts. Đặng Nguyên Mạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong công tác đào tạo, trường luôn căn cứ vào các nghị quyết, chủ trương của tỉnh, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực để hoàn thiện, bổ sung chiến lược phát triển, kế hoạch theo năm học của từng ngành, nghề, nhất là ở các lĩnh vực mà tỉnh, các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp của Thái Bình có nhu cầu.
“Nhà trường coi nhu cầu tuyển dụng lao động là các chuẩn đầu ra cần thiết để xây dựng từng chương trình đào tạo, mời doanh nghiệp tham gia phản biện, xây dựng chương trình, hoạt động đào tạo của nhà trường”, ông Đặng Nguyên Mạnh cho biết thêm.
Với những nền tảng đang có, tỉnh Thái Bình đang hướng tới các mục tiêu rất cụ thể trong tương lai. Theo Đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025” và Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Bình đến năm 2025”, tỉnh sẽ sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng) và đại học, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mở trường cao đẳng nghề.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Bình duy trì việc làm bền vững cho người lao động và phát triển thị trường lao động phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó đào tạo nghề đạt 62%.
Lệ Chi