Thông qua lớp đào tạo về mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép, mô hình nuôi cá bống, cá đối mục an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với HTX tổ chức, anh Nguyễn Văn Giàu ở xã Vinh Giang (huyện Phú Lộc) và nhiều hộ nuôi khác đã thay đổi cách nuôi từ việc đầu tư cải tạo ao nuôi, chọn con giống chất lượng đến thức ăn. Đến nay, mô hình nuôi thủy sản xen ghép theo hướng an toàn sinh học ở địa phương và nhân rộng ở nhiều nơi đã đem lại năng suất ổn định, cho thu nhập cao.
Nhiều mô hình hiệu quả
Tương tự, tham gia khoá đào tạo về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, ông Nguyễn Lai, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà chia sẻ: "Khi chưa qua lớp đào tạo, tôi và nhiều bà con cứ theo thói quen, kinh nghiệm bón nhiều phân để lúa tốt, phun xịt thuốc để diệt trừ sâu bệnh, mà không nghĩ rằng về lâu dài sẽ làm nghèo chất đất, tốn kém chi phí".
Khoá đào tạo hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm. |
Đến khi tham gia lớp học, ông Lai đã học được cách bón phân hữu cơ thay phân vô cơ, cày ải, lật đất tơi xốp, cách ủ rơm rạ tạo vi sinh vật có lợi cho đất mà không phải đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng... Nhờ đó, qua mấy vụ sản xuất, không chỉ giảm chi phí, công bơm phun thuốc mà lúa còn cho năng suất, giá trị cao hơn.
Hay tại huyện miền núi A Lưới, Dự án Trường Sơn Xanh (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) đã tổ chức khoá đào tạo hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm và phát triển các sản phẩm nâng cao cho 30 phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm các sản phẩm đặc trưng địa phương để phát triển sinh kế, giảm nạn săn bắt động vật hoang dã, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bà Kê Thị Hạch, Tổ trưởng Tổ gia công HTX Thổ cẩm xanh A Lưới cho biết: “Nhờ có khóa đào tạo hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm, bà con đã biết kết hợp vải thổ cẩm với vải cotton để tạo ra sản phẩm mẫu mã bắt mắt, giảm giá thành. Ngoài ra, từ những mảnh vải thừa, bà con đã tận dụng để thiết kế thành vỏ gối, khăn trải bàn, giày dép, bông tai…”.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bà con trong HTX Thổ cẩm xanh A Lưới còn dùng chính những tấm vải dệt để may khẩu trang cung cấp cho người dân ở đây.
Giúp nhiều lao động có việc làm
Tương tự như HTX Thổ cẩm xanh, HTX Mây tre Bao La (huyện Quảng Điền) với 100 thành viên là phụ nữ. Các chị được cán bộ Dự án Trường Sơn Xanh hướng dẫn cách tạo ra các sản phẩm đa dạng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, mẫu mã như túi xách, thiệp, hộp đựng đồ… Từ đó, thu nhập hằng tháng đạt trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống.
Nhiều mô hình liên kết dạy nghề với HTX, doanh nghiệp được triển khai. |
Điều này cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng học nghề của một bộ phận người lao động nông thôn, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất.
Những mô hình làng nghề, liên kết dạy nghề với HTX, doanh nghiệp, dạy nghề thông qua các chương trình hỗ trợ... đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người lao động, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội ở Thừa Thiên - Huế.
Thông qua những đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu năm 2020 sẽ tạo việc làm cho thêm khoảng 16 nghìn người, duy trì tỷ lệ thất nghiệp lao động khu vực thành thị xuống dưới 2% và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn lên trên 85%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 68%.
Bên cạnh đổi mới, nâng cao công tác đào tạo nghề, để đạt được mục đích cuối cùng là tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người lao động, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lao động.
Trong đó, để tạo thêm việc làm, thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương, ban ngành tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh phát triển các vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất, chế biến cho các ngành nghề, mở rộng kinh tế trang trại, tổ hợp tác và các loại hình dịch vụ, du lịch...
Thy Lê