Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, TP đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức đào tạo nghề cho 106.130 lao động nông thôn, tối thiểu 80% người lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng năng suất cao hơn.
Thay đổi thói quen 'mạnh ai nấy làm'
Kết quả từ năm 2016 đến nay, toàn TP tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 2.198 lớp/76.203 lao động nông thôn, 54.454/61.027 người học nghề xong có việc làm, đạt 89,23%, trong đó 11% người được doanh nghiệp/đơn vị tuyển dụng, 11,6% được doanh nghiệp/đơn vị bao tiêu sản phẩm, 76,4% tự tạo việc làm.
Lớp tập huấn trồng rau an toàn. |
Đặc biệt, trong công tác đào tạo nghề không thể không kể tới vai trò của HTX. Một số nơi lựa chọn được mô hình đào tạo nghề "đúng" và "trúng" nhu cầu, thu hút nhiều người lao động tham gia.
Đơn cử, trong khi nhiều vùng sản xuất rau an toàn của TP Hà Nội đang gặp khó khăn về đầu ra, tại vùng rau an toàn Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), các sản phẩm rau an toàn luôn tiêu thụ hết ngay tại ruộng. Các sản phẩm rau an toàn của HTX Văn Đức không chỉ có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mà một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc. Thành quả này có được chính là nhờ việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân xã Văn Đức.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Văn Đức, một vài năm trước đây, người nông dân trong xã phần lớn sản xuất theo hướng "mạnh ai nấy làm”. Việc sản xuất không theo nhu cầu của thị trường và không đồng bộ, đảm bảo về quy trình sản xuất dẫn đến tình trạng rau ế ẩm, khó tiêu thụ.
Nhận thấy điều đó, chính quyền địa phương, HTX Văn Đức cùng các cán bộ ngành nông nghiệp đã tổ chức lại quy trình sản xuất, mở các lớp tập huấn thay đổi thói quen, tư duy và cách thức sản xuất cho các hộ nông dân trong xã.
Tương tự, các khóa đào tạo dạy nghề giúp nhiều nông dân ở TP Hà Nội thay đổi thói quen sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (TP Hà Nội) cho biết, từ ngày chị và gần 10 người trong xã được tham gia lớp đào tạo ba tháng nghề thú y, chị đã chủ động phòng, chống dịch bệnh đàn gà của gia đình và yên tâm đầu tư khu chuồng trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư. Ngoài ra, chị Hạnh còn làm thêm dịch vụ thú y, nâng cao thu nhập.
Nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, HTX
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo lao động nông thôn ở TP Hà Nội vẫn còn nhiều điểm cần nhìn nhận lại. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, số lao động học nghề nông nghiệp sau đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng chưa cao, trong khi mục tiêu đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế là quan trọng.
Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp, HTX. |
Hơn thế, các danh mục nghề đào tạo, chương trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên. Năm 2016, từ 49 nghề đào tạo rút xuống còn 33 nghề, trong đó có 17 nghề phi nông nghiệp, 16 nghề nông nghiệp, sau đó không cập nhật thêm.
Việc này dẫn đến tình trạng một số nghề mới, cần thiết hơn nhưng chưa có trong danh mục đào tạo để thực hiện. Đặc biệt, thời gian đào tạo theo chương trình đào tạo sơ cấp được thành phố phê duyệt 3 tháng chưa phù hợp tại một số địa phương.
Để nâng cao chất lượng đào tạo lao động nông thôn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà lưu ý, với tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng và bao tiêu sản phẩm thấp hiện nay, các huyện cần nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn để can thiệp, giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định.
Hơn nữa, cần nghiên cứu lại mô hình đào tạo nghề nông thôn ở một số nơi, khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng, giáo viên chưa được cập nhật kiến thức khi đào tạo nghề mới, tiến tới đưa việc đào tạo nghề nông thôn vào những cơ sở chuyên nghiệp, gắn với giải quyết việc làm ngay sau đào tạo.
Bà Hà cho rằng đang có những chính sách không còn phù hợp thực tiễn và đạt hiệu quả chưa cao. Do vậy, Sở LĐ-TB&XH cần tham mưu không tiếp tục thực hiện. "Đồng thời đề xuất chính sách mới để có những nghề được đào tạo thực sự trở thành “cần câu cơm” cho lao động nông thôn, có kết nối với doanh nghiệp, HTX để cam kết tạo việc làm cho người la động sau đào tạo”, Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Thy Lê