Với tỷ lệ gần 97% lao động có việc làm sau đào tạo nghề, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng 122 mô hình tiêu biểu đào tạo theo từng nhóm nghề nông nghiệp ở địa phương. Cụ thể như: đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho thành viên HTX Nông nghiệp chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt; trồng và chăm sóc rau theo hướng VietGAP ở huyện Đơn Dương; trồng và chăm sóc cà phê ở HTX Lâm Viên; trồng dâu nuôi tằm, canh tác sầu riêng cho thành viên HTX các huyện Lâm Hà, Đạ Huoai, Cát Tiên…
Đào tạo theo nhu cầu
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án 1956. Trong đó, tổng số lao động nữ được học nghề 11.538 người; số người học nghề được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng 268 người, người thuộc hộ nghèo 1.884 người, người dân tộc thiểu số 8.759 người, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp 106 người, người thuộc hộ cận nghèo 3.082 người, lao động nông thôn khác 7.600 người. Tổng kinh phí chi cho đào tạo nghề khoảng 30,348 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 17,790 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12,558 tỷ đồng.
Lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho đồng bào dân tộc tại huyện Đạ Tẻh |
Các nghề đào tạo tập trung vào các loại cây con có lợi thế của địa phương, chú trọng các tiêu chuẩn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: trồng rau, hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ cao; trồng dâu nuôi tằm; trồng chăm sóc cây đặc sản (một số loại nấm, chuối laba, dâu tây…); trồng cây dược liệu (diệp hạ châu, atiso, các loại sâm…); trồng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật nuôi cá nước lạnh; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; trồng và chăm sóc cây ngắn ngày; trồng, chăm sóc và khai thác cây công nghiệp dài ngày (cao su, chè, cà phê, chanh dây, ca cao, hồ tiêu, điều…); sửa chữa máy nông nghiệp; nuôi cấy mô;…
Trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn có 37 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề công lập, Trung tâm Nông nghiệp huyện, thành phố, các Trường Trung cấp nghề.
Lực lượng giáo viên dạy nghề đã trực tiếp giảng dạy nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh và tập huấn các lớp kỹ thuật tại địa phương. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Trồng atiso mang lại thu nhập ổn định cho bà con. |
Thu hút lao động trẻ tham gia
Nhờ đó, công tác đào tạo nghề đạt được một số kết quả điển hình. Lớp đào tạo về trồng dâu nuôi tằm cho các thành viên HTX tại 2 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh; lớp đào tạo về chăn nuôi bò sữa cho các thành viên HTX Nông nghiệp bò sữa Cầu Sắt, huyện Đơn Dương và trồng chăm sóc cây cà phê cho các thành viên HTX Lâm Viên, huyện Di Linh… tỷ lệ có việc làm 100% và cho thu nhập khá (5 triệu đồng/người/tháng).
Các lớp học nghề đã thu hút lao động trẻ tham gia để cải thiện hiệu quả sản xuất khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thuận lợi, thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ. Kết quả học nghề gắn với giải quyết việc làm tiếp tục được khẳng định khi có trên 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm đúng nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến, khảo sát nhu cầu học nghề ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến đầu ra. Mức hỗ trợ, phụ cấp cho học viên, giáo viên còn thấp. Cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề còn hạn chế; chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo, nên người học nghề nông nghiệp thời gian qua chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế hộ là chính...
Để thực hiện tốt các mục tiêu trong công tác đào tạo nghề, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tham gia dạy nghề, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người học; ưu tiên đào tạo những ngành nghề có điều kiện tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới trên địa bàn khu vực nông thôn.
Thu Huyền