Sau thời gian đào tạo, các học viên được làm bài kiểm tra cuối khóa, kết quả có 2 học viên đạt loại giỏi, 1 học viên đạt loại khá và đạt trung bình khá là 27 học viên, với gần một nửa số học viên là thành viên HTX, còn lại là người dân nuôi thủy sản tại các thôn lân cận thuộc địa bàn xã Suối Rao.
Mỗi học viên là 1 tuyên truyền viên
Các học viên đã được các giảng viên là kỹ sư nuôi trồng thủy sản dày dạn kinh nghiệm như anh Phan Văn Hùng, Đoàn Văn Nam và đích thân Giám đốc HTX Suối Giàu Trần Đức Nghĩa truyền tải các thông tin chung về nuôi cá Chình, tập tính sống, thói quen bắt mồi và kỹ thuật nuôi, chăm sóc, quản lý môi trường, kỹ thuật cho ăn cũng như công tác phòng trị bệnh cho cá nuôi...
Mô hình ao nuôi cá Chình của HTX Suối Giàu |
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng khi kết thúc khóa học, 30 học viên này sẽ là 30 tuyên truyền viên của địa phương về áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nuôi trồng, không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh cấm vào trong quá trình nuôi của mình, qua đó góp phần chung vào mục tiêu ngành nuôi thủy sản phát triển bền vững, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua tìm hiểu được biết, người dân tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức chuyển sang nuôi đối tượng cá Chình hơn một năm trước, và HTX Suối Giàu ra đời vào tháng 6/2017, với 8 hội viên ban đầu trên tổng số vốn điều lệ là 9 tỷ đồng thực hiện nuôi cá Chình trên diện tích 15ha.
Phụ trách về kỹ thuật tại HTX là kỹ sư Phan Văn Hùng. Anh sinh ra tại Bến Tre, lấy vợ tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Sau gần 27 năm nghiên cứu đặc điểm sinh học và dinh dưỡng của cá Chình, tham gia tập huấn nhiều vùng nuôi trên cả nước, anh quyết định lập nghiệp trên mảnh đất Bà Rịa Vũng Tàu với nhiều tâm huyết.
Triển vọng nuôi cá Chình
Anh Hùng cho biết ở Việt Nam, cá chình sinh sống từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là đầm Châu Trúc (tỉnh Bình Định) và sông Ba (Đà Rằng - tỉnh Phú Yên). Hai nơi này hàng năm cung cấp hầu hết cá chình giống cho bà con nông dân tại các vùng nuôi lớn.
Phái đoàn Nhật tham quan mô hình nuôi cá chình của HTX. |
Việc sinh sản nhân tạo cá Chình đến nay vẫn chưa có ai nghiên cứu thành công, tất cả cá Chình giống nuôi hiện nay đều dựa vào khai thác từ tự nhiên. Cá Chình giống cỡ 20-30 con/kg, sau 2 năm nuôi cá đạt trung bình 2 kg/con, giá thị trường dao động từ 380 ngàn đồng đến 480 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, người nuôi thu lợi ít nhất 200 ngàn đồng/kg. Ngoài thị trường trong nước, cá chình còn được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và các nước châu Âu.
Tuy nhiên để nuôi được cá Chình có kích thước thương phẩm và có tỷ lệ sống cao đòi hỏi người nuôi phải nắm được kỹ thuật chăm sóc bài bản. Suốt hơn 20 năm qua anh cùng nhóm kỹ thuật Chi Hội cá Chình Việt Nam từng ngày, từng bước lấy kinh nghiệm thực tế, từ làm giống đến nuôi cá thịt, luôn học hỏi từ bà con nông dân nuôi có hiệu quả, kể cả thất bại rồi đúc kết thêm kiến thức truyền đạt lại cho người nuôi.
HTX Suối Giàu nuôi và phát triển cá Chình theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và bền vững đã giúp nhiều hộ dân tại đây học hỏi về kinh nghiệm, phương pháp nuôi mới hiệu quả, tổ chức lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm hàng tuần.
Hiện, cá Chình đang được nuôi tại các thành viên HTX Suối Giàu được đánh giá có chất lượng thịt rất thơm ngon, do HTX sử dụng thức ăn tươi có pha trộn thêm Vitamin tổng hợp và quy trình chăm sóc kỹ lưỡng. Khóa đào tạo nghề nuôi cá Chình cho người dân đã mở ra triển vọng phát triển cho nghề nuôi cá Chình tại địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo và tạo kế sinh nhai bền vững cho các đối tượng là lao động nông thôn tại xã Suối Rao nói riêng, địa bàn huyện Châu Đức nói chung.
Hoàng Lê