Cơ giới hóa trong nông nghiệp khiến tình trạng lao động nông thôn ở Vĩnh Trạch “ly hương” đi làm tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Trước thực trạng trên, xã Vĩnh Trạch đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, giao HTX Vĩnh Trạch làm trung gian, nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
Liên kết dạy và học
Ông Võ Văn Quang - Phó Giám đốc HTX Vĩnh Trạch, cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định việc dạy nghề phải bám sát thực tiễn, các lớp học phải giúp nông dân nắm vững kiến thức, tay nghề cao và phải có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học”.
Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Trạch đang mở ra mô hình liên kết đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn nông dân tại địa phương. |
Với tôn chỉ rõ ràng, HTX cùng chính quyền xã và Hội Nông dân lên kế hoạch chi tiết về quá trình dạy nghề và các khâu hậu đào tạo cho người nông dân. Nghề đan thủ công được chọn là lĩnh vực chủ lực trong đào tạo cho người dân địa phương.
Nhờ cam kết “học xong có việc làm”, các lớp đào tạo nghề của HTX nhanh chóng tạo hiệu ứng mạnh, thu hút hàng nghìn học viên trong và ngoài địa phương tham gia.
“Nghe nói học xong có việc làm liền thì ai cũng hăng hái, việc học ở gần nhà nên cũng tiện. Sau khi tham gia học hơn 1 tháng, tôi đã biết đan và nhận hàng đan ghế về nhà làm”, chị Nguyễn Thị Bình (ấp Trung Bình Tiến) phấn khởi nói.
Sau 1 năm hoạt động, chuỗi liên kết dạy - học - làm của HTX Vĩnh Trạch đã tạo việc làm cho cả ngàn lao động trong xã. Hiện nghề đan ghế nhựa đã phủ khắp cả 7 ấp trong xã với thu nhập bình quân 120.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Hiệu quả của nghề đan không chỉ nâng thu nhập cho người dân địa phương, mà góp phân quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Các lớp dạy nghề của HTX Vĩnh Trạch cho hiệu quả tích cực |
Mở rộng đào tạo
Xã Vĩnh Trạch được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và đang tiến tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2019.
Phó Giám đốc HTX - ông Võ Văn Quang, chia sẻ: “Thực tế, nghề đan ghế nhựa đã có từ nhiều năm nay, nhưng người dân địa phương đều phải lên tận Bình Dương hoặc các cơ sở, công ty ở xa nhà để làm công”.
Ông Quang cho biết nhiều người cũng muốn mang hàng về nhà làm, hoặc là hợp đồng với các công ty làm gia công rồi giao sản phẩm. Tuy nhiên người lao động đơn lẻ không có tư cách pháp nhân, công ty không dám ký kết, làm ăn. Vì vậy, sự có mặt của HTX với vai trò đại diện có ý nghĩa rất lớn.
Từ khi có cơ sở dạy nghề đan ghế nhựa của HTX, nhiều lao động Vĩnh Trạch đi làm việc ở các khu công nghiệp Bình Dương đã quay về làm tại nhà.
Chị Phạm Thị Thực, một người đã từng làm việc tại Bình Dương nhiều năm, tâm sự: “Phận nữ đi làm xa nhà cũng nhiêu khê lắm. Nhờ có cơ sở gần nhà này mỗi tháng xem như tui khỏi phải tốn cả triệu bạc tiền nhà trọ và nhiều chi phí lặt vặt khác. Ở nhà, gần gia đình, vừa làm việc nhà vừa đan ghế mỗi ngày làm được 2 cái, kiếm được 140.000 - 160.000 đồng”.
Trên những nền tảng đã có, HTX Vĩnh Trạch đang dự kiến mở rộng ra các nghề và công việc khác. Đặc biệt, với lực lượng lao động chính thức, HTX đã tổ chức mua bảo hiểm xã hội, bảo đảm cuộc sống ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Sáu Ngạn