Trước nguy cơ mai một trang phục truyền thống, phụ nữ Tày ở HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình đã khôi phục nghề thêu dệt thổ cẩm bằng những lớp truyền dạy cho người trẻ, tạo việc làm với thu nhập ổn định.
Để nghề dệt thổ cẩm Lâm Bình “sống” lại
Cùng với điệu then, đàn Tính…, trang phục truyền thống cũng được xem là “hồn cốt” của người của người dân tộc Tày ở Lâm Bình, nhất là trong các ngày lễ tết lớn. Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển chung, nghề dệt thổ cẩm ngày dần vắng bóng, thậm chí có nơi còn bị “xóa sổ” và số người biết dệt vải, may áo ngày càng ít đi.
![]() |
Nhiều phụ nữ dân tộc Tày tham gia HTX, vừa được học nghề, vừa có thêm thu nhập. |
Trước thực trạng này, những năm qua, huyện Lâm Bình đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm “tái sinh” kết hợp đào tạo tại các làng nghề để giữ nét truyền thống, giúp người dân có thêm thu nhập. Kết quả, nhiều tổ hợp tác, HTX, làng nghề ở thị trấn Lăng Can, xã Khuôn Hà… lần lượt được ra đời, bà con gắn bó với nghề thêm phấn khởi.
Sau một thời gian tập trung truyền dạy và tiến hành vừa làm vừa nghiên cứu cải tiến khung cửi, mẫu mã sản phẩm, đến nay HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình đã tạo ra những mẫu thổ cẩm đạt chất lượng cao, được nhiều du khách ưa chuộng, góp phần thay đổi đáng kể đời sống kinh tế của đồng bào người Tày vùng nông thôn.
Trong khi nhiều làng nghề rơi vào tình trạng “đóng băng” thì ở HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình dưới sự chèo lái của nữ giám đốc Ma Thị Soa vẫn đang “sống khỏe” với nghề và số lượng thành viên không ngừng tăng lên.
Theo bà Soa, dệt thổ cẩm tốn nhiều công sức nhưng lãi không nhiều. Tuy nhiên, để duy trì được nghề và đảm bảo thu nhập cho các thành viên, HTX đã chuyển hướng sáng tạo mẫu mã các sản phẩm dân tộc.
“Chúng tôi cũng phải cải tiến, định hướng, thống nhất mẫu thiết kế đa dạng sản phẩm để phù hợp với thị trường như: May hộp đựng đồ trang điểm, các túi đeo nhỏ nhắn cho khách du lịch, hoặc là may đệm bông gạo có thể gấp gọn, trang phục... thay vì các loại đệm tấm, vỏ gối như trước kia”, bà Soa cho biết.
Dạy nghề là hướng đi xa
Nhiều chị em ở các thôn có tay nghề đã được học từ bà và mẹ nhưng không có điều kiện để phát triển nghề vì kinh tế khó khăn, vừa bỏ phí tay nghề vừa lãng phí thời gian nhàn rỗi. Từ thực tế đó, để phát triển nghề dệt, HTX mở các lớp đào tạo, "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn từ kỹ thuật căn bản cho đến kỹ thuật nâng cao làm ra những sản phẩm dệt thổ cẩm đa dạng.
![]() |
Nghề dệt đã góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế của đồng bào người Tày vùng nông thôn. |
Đồng thời, HTX tiếp tục phối hợp với chính quyền vận động thêm lao động chưa có tay nghề, dạy lý thuyết kết hợp với thực hành mà không thu học phí, thu hút lực lượng đông đảo các chị em phụ nữ tham gia.
Theo bà Soa, hiện nay ở HTX, tay nghề của các chị em không đồng đều, sản xuất thủ công nên tiến độ chậm. HTX tiến hành bàn bạc và thống nhất trả công cho chị em bằng sản phẩm làm ra và căn cứ trên chất lượng, số lượng. Sản phẩm làm ra được phân công theo tay nghề, ai khéo công đoạn nào thì sẽ làm công đoạn đó.
Bà Lộc Thị Chiến, thành viên HTX cho biết, khi mới thành lập HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình, bà đã tự nguyện xin tham gia với mong muốn thoát khỏi đói nghèo, lam lũ quanh năm, cùng với hy vọng nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm của dân tộc mình không bị mai một.
“Từ ngày vào HTX, gia đình tôi có thêm thu nhập để chăm lo cho con cái ăn học hành đầy đủ. Song, bản thân tôi cũng mong muốn có thêm vốn để đầu tư thêm khung dệt và truyền dạy nghề cho thế hệ thanh niên”, bà Chiến nói.
Hàng ngày, ngoài việc đến HTX dệt vải, may thêu, bà Chiến còn trồng thêm rau, nuôi gà gia tăng thu nhập. Công việc này không chỉ giúp bà kiếm được 100.000 đồng/ngày mà còn mang lại niềm vui, giúp bà thoải mái thể hiện những kỹ năng may vá trên những thước vải sặc sỡ.
Tiếng lành đồn xa, khách hàng tiêu dùng hàng thổ cẩm của HTX ngày càng đông lên, có khách mua về dùng, có khách mua sỉ để về bán lại. Thế là hàng ra - tiền vào, có lợi nhuận để trả công cho chị em hợp lý, tiền công tuy không nhiều nhưng cũng góp phần cải thiện cuộc sống, gia đình và giúp ích cho xã hội.
Đến nay, HTX đã thu hút 20 chị em phụ nữ dân tộc, với mức thu nhập trung bình từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện bảo tồn và phát triển nghề dệt, huyện Lâm Bình đã mời những đơn vị chuyên về công nghệ dệt khảo sát và hướng dẫn người dân công việc cụ thể để có nhiều tác phẩm đẹp, hữu dụng.
Thời gian tới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình sẽ khuyến khích các mô hình HTX, tổ hợp tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm theo hướng bảo tồn truyền thống về chất liệu, hoa văn, sợi dệt, khung dệt, kết hợp với thời trang hiện đại.
Với định hướng đúng đắn và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, hy vọng nghề truyền thống của huyện Lâm Bình sẽ ngày càng có chỗ đứng và thu hút được nhiều người tham gia. Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, thu hút du khách, người dân có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Huyền Thương