Tính đến năm 2020, toàn xã Đức Mỹ có hơn 1.600 ha trồng cây lác (một loại cây họ cói), thu hút gần 1.200 hộ dân tham gia, thuộc dạng lớn nhất tỉnh Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ấn tượng với các HTX
Cây lác ở Đức Mỹ được trồng 2 – 3 vụ/năm, với giá hiện tại 12.000 – 15.000 đồng/kg, nông dân thu lãi 140 – 160 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 4.500 lao động nông thôn.
![]() |
Trồng cây lác làm nguyên liệu cho nghề dệt đang mang lại lợi nhuận cao cho người dân Đức Mỹ (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, với nguồn nguyên liệu từ cây lác, xã đã chủ động đào tạo nghề dệt chiếu, dệt thảm nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn và phát triển làng nghề.
Nhằm nâng cao hiệu quả của nghề dệt tại địa phương, xã đã thành lập HTX chiếu Đức Phát với hơn 60 hộ tham gia. Bên cạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, HTX còn đứng ra cung cấp vật tư đầu vào, tổ chức bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết.
Ông Trần Hậu Giang, Giám đốc HTX Đức Phát, cho hay cây lác Đức Mỹ không chỉ phục vụ nghề dệt chiếu ở địa phương mà còn cung cấp nguyên liệu cho khắp các tỉnh ĐBSCL, thậm chí đưa ra tận miền Trung, miền Bắc phục vụ cho các cơ sở dệt chiếu và dệt thảm xuất khẩu.
Thời gian tới, việc xây dựng thương hiệu cho cây lác Đức Mỹ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm đưa sản phẩm vươn xa hơn, khẳng định thế mạnh và hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với hạn mặn.
Bên cạnh cây lác, dừa cũng là nguồn nguyên liệu phục vụ nghề dệt tại Đức Mỹ. HTX se chỉ tơ dừa Đức Mỹ đang là một trong những đơn vị điển hình phát triển nghề dệt thảm, làm dây thừng và đan lưới từ sơ dừa, vỏ dừa.
Theo đại diện HTX, sở dĩ HTX chọn xơ dừa làm nguyên liệu chính để sản xuất vì xơ dừa có sẵn tại địa phương, thuận lợi trong việc thu mua, vận chuyển từ đó tạo ra sản phẩm với giá cả hợp lý và ổn định.
Ngoài ra, HTX còn muốn khai thác và nâng cao giá trị từ cây dừa, nhất là phụ phẩm xơ dừa, qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân địa phương.
Nâng cao khoa học, kỹ thuật
Ông Nghiêm Đại Thuận, Chủ tịch HĐQT HTX se chỉ tơ dừa Đức Mỹ, cho biết sau hơn 6 năm hoạt động, HTX ngày càng chuyên nghiệp hóa. Từ chỗ chỉ có 6 máy se chỉ tự động, đến nay, HTX đã có 150 máy, được phân bổ cho các hộ thành viên và nông dân chủ động thời gian làm việc.
![]() |
Nghề dệt sẽ tiếp tục được xã Đức Mỹ thúc đẩy trong thời gian tới (Ảnh TL). |
Nhờ có máy móc, sản phẩm chỉ tơ xơ dừa của HTX Đức Mỹ được tạo ra theo quy trình tự động, từ khâu nhận tơ thô đến chỉ sợi và cuốn chỉ. Có máy móc hiện đại, công suất hoạt động của HTX nhanh hơn 15 - 20 lần so với se chỉ theo hình thức thủ công trên máy 1 trục.
Ngoài ra, hệ thống máy se chỉ tơ xơ dừa của HTX còn có ưu điểm là ít hao hụt nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, sản phẩm chỉ tơ bóng, đẹp, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Để bắt kịp tiến trình hiện đại hóa, trong quá trình hoạt động, HTX luôn chủ động đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã, tính thẩm mỹ cao, được thị trường ưa chuộng”, ông Nghiêm Đại Thuận nhấn mạnh.
Với sự quan tâm của địa phương, cùng sự hiệu quả của các HTX, nghề dệt ở xã Đức Mỹ có nhiều tiềm năng để nhân rộng, hình thành chuỗi giá trị, mở hướng đi bền vững, thu nhập cao cho người lao động tại địa phương.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc đào tạo nghề dệt, tạo việc làm cho lao động. Đẩy mạnh xây dựng làng nghề, nâng cao thương hiệu cho các sản phẩm dệt tại địa phương.
Hưng Nguyên