Trong khi công tác bảo tồn các ngành nghề, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đang gặp khó khăn thì HTX Tơng Bông lại đang trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Tích cực dạy nghề, truyền nghề
Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông, chia sẻ đồng bào dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình. Một trong những công việc chính của người phụ nữ là dệt thổ cẩm để lo cái mặc cho toàn bộ các thành viên.
HTX đang tích cực tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lao động trẻ tại địa phương (Ảnh TL). |
Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó bao đời nay với người phụ nữ Ê Đê. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm ngày càng bị mai một. Nhiều người không còn mặn mà với sản phẩm thổ cẩm, trong khi đó nhiều phụ nữ Ê Đê trong buôn, trong xã biết dệt nhưng lại thiếu việc làm, đời sống gặp không ít khó khăn.
Từ những đòi hỏi thực tế, HTX Tơng Bông được thành lập thúc đẩy các hoạt động dạy nghề, truyền nghề, kết nối thị trường, phát triển du lịch, với mục tiêu vừa gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, vừa giúp phụ nữ trong buôn có thêm thu nhập, thoát cảnh đói nghèo, ổn định cuộc sống.
Giám đốc HTX H’Yam Bkrông cho biết, trong những năm đầu thành lập, HTX đã tích cực vận động phụ nữ có tay nghề tại địa phương tham gia, đồng thời nhờ những nghệ nhân trong buôn trực tiếp truyền dạy nghề cho những lao động mới.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đăk Lăk đã hỗ trợ HTX mở hai lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm và tạo điều kiện cho vay vốn 200 triệu đồng để trang bị các thiết bị thiết yếu, mua nguyên liệu, khung dệt… để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sau hơn 17 năm đi vào hoạt động với công tác dạy nghề được triển khai hiệu quả, đến nay, các thành viên HTX đều nắm vững kỹ thuật dệt, với các sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phong phú như y phục nam nữ, túi xách, cà-vạt, khăn trải bàn, túi đựng hạt thơm, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em…
Thích ứng xu thế hội nhập
Đến nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có 45 thành viên đều là phụ nữ dân tộc Ê Đê. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động khác ở địa phương, thu nhập trung bình đạt 3,2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Mức thu nhập ổn định từ HTX cùng với phát triển kinh tế gia đình, các thành viên HTX có nhiều nguồn thu nhập, từ đó vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Hiệu quả của HTX góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương (Ảnh TL). |
Để có được những thành công hiện tại, bên cạnh những nỗ lực trong công tác dạy nghề, nâng cao trình độ kỹ thuật, HTX còn liên tục cải tiến cơ sở vật chất, đa dạng hóa các loại sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đơn cử, kể từ năm 2017 đến nay, HTX đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm 5 máy dệt và các máy xếp sợi, máy cuộn thoi, máy cuộn sợi… phục vụ sản xuất. Mẫu mã thay đổi thường xuyên nhưng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê thì vẫn được HTX giữ nguyên.
Sự linh hoạt trong thích ứng thị trường đang giúp sản phẩm của HTX có đầu ra ổn định tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... Đặc biệt, với chất lượng sản phẩm tốt và hoa văn tinh xảo, HTX còn được mời tham gia nhiều hội thi trang phục các dân tộc. Sản phẩm của HTX được lựa chọn trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Ngoài nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tận dụng những lợi thế của địa phương về phát triển du lịch, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông còn xây dựng trang trại nuôi hơn 2.000 con gà thả vườn và khoảng 300 con lợn.
Đồng thời, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú với ba nhà sàn trưng bày nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắn của đồng bào Ê Đê...
Trên nền tảng đã xây dựng được, Giám đốc HTX H’Yam Bkrông cho biết thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Để làm tốt điều này, HTX đang huy động mọi nguồn lực, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất; đa dạng hóa các sản phẩm dệt thổ cẩm, đồng thời tuyên truyền đến người dân ở buôn Tơng Jú và buôn Bông nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị để thu hút khách du lịch...
Mỹ Chí