Ở Kiên Giang hiện nay đang ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ tạo việc làm sau tốt nghiệp cho lao động thuộc hộ nghèo tại 4 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, gồm Giang Thành, An Biên, An Minh và U Minh Thượng.
Định hướng nghề phù hợp
Bên cạnh đó, tỉnh còn huy động đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tích cực tham gia học nghề ở các trình độ nhằm tăng cường công tác giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của lao động đang thất nghiệp tại địa phương.
Như tại huyện U Minh Thượng hiện đang chú trọng vừa đào tạo nghề vừa tạo công ăn việc làm cho các lao động nghèo, nhất là phát triển mô hình kinh tế hợp tác nhằm tạo sinh kế cho người dân.
Huyện U Minh Thượng định hướng cho người dân nghèo hợp tác, liên kết, chọn ngành nghề phù hợp để phát triển sản xuất |
Thời gian gần đây, huyện đã thành lập được 8 HTX, 49 tổ hợp tác. Đặc biệt, tháng 3/2020, huyện tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị để tiến hành ra mắt HTX dịch vụ và sản xuất cây ăn trái kiểu mẫu trên địa bàn xã An Minh Bắc để làm tiền đề nhân rộng.
Theo đó, HTX mới này có 120 thành viên. Sau khi thành lập, HTX sẽ mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất và thu hút nhiều nông dân địa phương ở trong vùng đệm vào HTX để có thêm thu nhập.
Ngoài ra, khi hình thành HTX còn được hỗ trợ từ đội ngũ tư vấn Trung tâm Đào tạo và Tư vấn hợp tác thuộc Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp phát triển nông thôn II - Bộ NNN&PTNT, giúp HTX xác định nguồn lực đầu tư xây dựng phương án kinh doanh trung hạn và kế hoạch kinh doanh thường niên.
Ông Trần Kiếm Phong, Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng, cho biết: Để tìm hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định, huyện đã định hướng cho người dân hợp tác, liên kết, chọn ngành nghề phù hợp để phát triển sản xuất, tập trung nhiều nhất ở 2 xã vùng đệm U Minh Thượng là An Minh Bắc và Minh Thuận.
Còn ở huyện Giang Thành - huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, những năm gần đây, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động dân tộc Khmer, giúp họ các mô hình về phát triển kinh tế. Kết quả, đã có nhiều hộ vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để làm tốt công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, nhất là đối tượng dân tộc Khmer, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Giang Thành cùng các xã đã chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân. Từ đó định hướng cho họ chọn những ngành nghề phù hợp.
Tuyên truyền ý thức học nghề
Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Giang Thành cho biết, trước khi học nghề, phải định hướng và xem xét nguyện vọng của người dân. Từ đó, mở các lớp học phù hợp với nguyện vọng để phát huy nghề học, thuận lợi kiếm sống.
Những lớp học này phát huy hiệu quả ngay đối với sản xuất nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản. Sau khi được học nghề, bà con đã thay đổi cách thức canh tác, cho năng suất cao hơn, đem lại lợi nhuận, dần góp phần xóa nghèo.
Bên cạnh 2 huyện trên, tuy không nằm trong những huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng huyện Kiên Lương được đánh giá là rất quan tâm đến việc tạo sinh kế, đào tạo nghề cho người nghèo.
Những lớp học nghề phát huy hiệu quả ngay đối với sản xuất nông nghiệp |
Sau một năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các ngành, đoàn thể huyện Kiên Lương và UBND các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền vận động mở được 13 lớp với 352 học viên, tỷ lệ học viên học nghề đạt 117,33% kế hoạch, hoạt động mở lớp tại các xã, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn đi học, giảm bớt một phần cho các hộ gia đình có khó khăn về kinh tế.
Phần lớn số lao động nghèo trong huyện sau học nghề đều được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm từ các hội đoàn thể, tự tạo việc làm, tăng thu nhập. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 56,07%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 43,2%.
Thời gian tới, chính quyền huyện Kiên Lương cho biết sẽ tập trung tuyên truyền từ huyện đến các xã, thị trấn, ấp, khu phố để đảm bảo có từ 90% trở lên lao động nông thôn biết về cơ chế, chính sách của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Điều này nhằm nâng ý thức tốt cho người dân Kiên Lương trong việc tham gia thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và ngoài huyện, tỉnh, nhất là diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Loan