Có 7 nghề truyền thống, gồm: Rèn, gốm, dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ dân tộc, chế tác nỏ của các đồng bào dân tộc thiểu tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum (gồm các dân tộc: Xơ-đăng, Ba Na, Giẻ-triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê) đã, đang và sẽ được tỉnh chú trọng gìn giữ và phát triển trong thời gian tới.
Còn “đóng khung” khâu dạy nghề
Bà Trần thị Diệu Hằng, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, Ban Dân tộc tỉnh đã mở nhiều lớp truyền dạy nghề trong cộng đồng dân cư, qua đó tạo sức lan tỏa gìn giữ, phát huy ngành nghề truyền thống trong các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc được tỉnh Kon Tum chú trọng gìn giữ |
“Chúng tôi nhận thấy bà con vẫn có ý thức bảo tồn nghề của mình. Khi mở lớp được sự dìu dắt hướng dẫn của nghệ nhân, chúng tôi thấy các tầng lớp kể cả người già, thanh niên rất hào hứng, hăng say, rất thích học nghề”.
Tuy nhiên, đối với hoạt động dạy những nghề truyền thống này do thiếu kinh phí nên đã gặp những khó khăn nhất định. Thậm chí có một số nghề truyền thống còn lại như; đan lát, làm rượu cần, tạc tượng, làm gốm, làm thuyền độc mộc chưa mở được một lớp đào tạo hoặc dạy nghề nào.
Giới chuyên gia cho rằng nghề truyền thống ở Kon Tum chỉ có thể được bảo tồn, phát triển khi sản phẩm nghề trở thành sản phẩm hàng hóa. Bởi, chỉ bằng cách đưa các sản phẩm truyền thống trở thành hàng hóa và ổn định đầu ra cho sản phẩm mới thực sự tạo động lực thúc đẩy hiệu quả của quá trình này.
Nhưng xét lại quá trình thực hiện “Đề án bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum” thì giải pháp chính vẫn đang được “đóng khung” ở khâu dạy nghề, đào tạo nghề, chưa chú trọng khâu sau dạy nghề.
Bên cạnh đó, việc xây dựng được các HTX ở các làng nghề truyền thống của tỉnh Kon Tum nhằm thu hút những người tâm huyết gắn bó với nghề đã khó, nhưng việc làm thế nào để duy trì phát triển các nghề này lại càng khó hơn.
Không ít HTX, tổ hợp tác liên quan đến nghề truyền thống xây dựng được một thời gian rồi lại tự tan rã, câu chuyện người làm nghề là dân tộc thiểu số khó sống được bằng nghề truyền thống là một thực tế ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Chẳng hạn như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở làng Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), nhiều năm trước từng được các dân tộc thiểu số trong làng háo hức tham gia với hy vọng vừa có thể gìn giữ được nghề, vừa có thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Nhưng duy trì không bao lâu thì tổ hợp tác đã phải giải tán bởi sản phẩm làm ra không biết bán cho ai, ngày công lao động đạt thấp.
Tạo động lực cho nghề truyền thống
Ngay như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) được đánh giá là thành công, làm ăn có hiệu quả, vậy mà những người phụ nữ ở các làng Kon Klor, Kon Tum Kơ Pâng, Kon RơWang cũng chỉ có thể coi đây là việc làm thêm lúc rảnh rỗi vì thu nhập không đáp ứng được cuộc sống và số lượng tiêu thụ cũng rất hạn chế nên chị em không thể yên tâm gắn bó với nghề.
Để gỡ khó cho việc đào tạo nghề truyền thống thì chỉ bằng cách đưa các sản phẩm truyền thống trở thành hàng hóa |
Tuy nhiên, cũng có những HTX nghề truyền thống vẫn đang cố gắng để duy trì. Như ở xã Vinh Quang, phường Thắng Lợi (Tp. Kon Tum), nghề dệt thổ cẩm được phục hồi đã giúp cho nhiều chị em có nguồn thu nhập để cải thiện và nâng cao đời sống. HTX có hơn 30 phụ nữ dân tộc thiểu chuyên dệt thổ cẩm.
Những năm trước, nhiều phụ nữ đồng bào các dân tộc BaNar ở các làng Kon Tum KPâng, Kon Tum Knâm và Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum) đang được HTX Thổ cẩm Tây Nguyên đào tạo nghề dệt thổ cẩm miễn phí.
Những phụ nữ dân tộc thiểu số được làm quen với kỹ năng dệt, cách trang trí hoa văn , cách chọn gam màu và những mẫu váy áo dân tộc thiểu số đang thịnh hành trên thị trường.
Ngoài việc đào tạo nghề tại phân xưởng thì nghệ nhân của HTX còn làm giáo viên dạy nghề dệt thổ cẩm cho các phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở các huyện khác trong tỉnh.
Theo giới chuyên gia, để gỡ khó cho việc đào tạo nghề truyền thống đối với đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum thì chỉ bằng cách đưa các sản phẩm truyền thống trở thành hàng hóa và ổn định đầu ra cho sản phẩm mới thực sự tạo động lực thúc đẩy hiệu quả của quá trình này.
Vì vậy, thời gian tới, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục tăng cường các giải pháp phù hợp như gắn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống với thực hiện chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”.
Thanh Loan