Nói về “ngôi nhà” của những người khuyết tật hiện nay không thể không nhắc tới HTX Vụn Art (Vạn Phúc, Hà Đông). Vụn Art là HTX đặt biệt, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật.
Đào tạo nghề cho người khuyết tật
Vụn Art đến nay đã hoạt động được 5 năm, nhưng trong đó có đến 3 năm đầu dành thời gian để dạy nghề. Hiện tại, HTX tạo việc làm cho gần 30 lao động, với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh hiện nay cũng chủ yếu được quay vòng dành tiền cho việc đào tạo.
Nhiều hợp tác xã đang tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề. |
Không nhiều cơ sở nhận người lao động khuyết tật chưa qua đào tạo như Vụn Art. Anh Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn Art chia sẻ, việc đào tạo cần nhiều hơn thời gian và sự kiên trì, chắc chắn không thể tính bằng tháng, mà cần tính bằng năm để các em có thể đảm nhận được các công đoạn.
Giám đốc HTX Vụn Art cũng đầy tự hào khi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các tình nguyện viên là các chuyên gia hàng đầu dạy nghề miễn phí, tư vấn về phát triển sản phẩm, truyền thông giúp HTX hoàn thiện bức tranh lớn của mình.
Không chỉ là tìm sản phẩm đầu ra phù hợp, điều Vụn Art cần làm còn là phân công, tổ chức bộ máy để từng lao động khuyết tật đảm nhận các công đoạn phù hợp với khả năng. Đặc biệt, trong những giai đoạn cần chạy gấp đơn hàng trong thời gian ngắn, cần phân ra cụ thể và chi tiết các công đoạn để giao việc cho từng người. Ngay việc làm các bao bì kraft cũng là công đoạn được Vụn Art tính toán, ưu tiên dành để dạy nghề cho người lao động. Tại HTX này, lao động khuyết tật không lẻ loi, mà được đặt vào đúng khâu, đúng công đoạn để đóng góp giá trị gia tăng vào sản phẩm chung trước khi đến tay người dùng.
Theo anh Cường, một nguyên tắc mà Vụn Art đã luôn tuân thủ kể từ khi thành lập là không nhận tiền tài trợ, trừ tiền hỗ trợ đào tạo nghề, đồng thời, khuyến khích các đối tác mua sản phẩm, bởi việc nhận tiền tài trợ sẽ gây ra tình trạng ỷ lại từ chính người khuyết tật. Trong khi đó, thay vì ngồi chờ đợi, điều quan trọng hơn là khuyến khích người khuyết tật tạo ra giá trị.
“Quan điểm của người đứng đầu Vụn Art trong kinh doanh là không có khía cạnh từ thiện và cũng không lấy việc là người khuyết tật để nhận tài trợ. Điều Vụn Art muốn làm là mang lại việc làm ổn định cho các bạn khuyết tật, đặt doanh số và cũng là việc làm cho người khuyết tật lên trước trước lợi nhuận”, anh Cường chia sẻ.
‘Trao cần câu’ hơn trao ‘con cá’
Cũng hoạt động với ý nghĩa tích cực như HTX Vụn Art, bà Trần Thị Thuần, đại diện HTX Tâm Ngọc (TP.Hà Nội), cho biết đơn vị đang có nhu cầu tuyển 40 người lao động khuyết tật làm công việc chăn nuôi gà đồi, heo, trồng trà thảo mộc, hoa ly hoặc cây ăn quả như ổi, dưa lê từ giờ đến Tết 2023.
HTX cũng tuyển nhiều vị trí như nhân viên marketing, bán hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với người khuyết tật, khiếm khuyết nặng, khó vận động, HTX tạo điều kiện, chi trả chi phí ăn ở. Mức lương khởi điểm khoảng 7 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi muốn tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật nên mong muốn tiếp nhận, đào tạo nhiều người khuyết tật nhất có thể để họ tự tin khi tiếp xúc với xã hội", bà Thuần bày tỏ mong muốn.
Có thể thấy, việc trao cơ hội gắn với đào tạo nâng cao tay nghề cho người khuyết tật chính là việc làm có ý nghĩa rất lớn cho cộng đồng mà nhiều HTX đang thực hiện. Nhiều năm trực tiếp tham gia hỗ trợ người khuyết tật, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam Hoàng Phương Thảo khẳng định: “Không đơn giản là chuyện tặng “cần câu” hay “con cá”, điều quan trọng nhất là phải tạo cơ hội để người khuyết tật chủ động học nghề, nắm bắt cơ hội, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cộng đồng”.
Với mục tiêu đó, cuối năm 2019, tổ chức AAV thuộc Actionaid Việt Nam đã tài trợ 15 máy khâu công nghiệp cho Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội). Là một cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng 87% lao động là người khuyết tật, các cán bộ HTX không tiếp nhận tài trợ một cách thụ động, mà đã mở thêm ngành may công nghiệp, chủ động triển khai chương trình dạy và học nghề, tạo việc làm cho 18 lao động.
“Chúng tôi đồng hành cùng hợp tác xã, thực hiện tư vấn, huấn luyện, tạo việc làm và tổ chức các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội”, bà Thảo chia sẻ.
Theo đó, bà Thảo cho rằng cần trang bị kiến thức về công nghệ thông tin, tăng khả năng làm việc từ xa, làm việc trực tuyến của người khuyết tật, mở rộng thêm các ngành nghề họ có thể làm. Đẩy mạnh cập nhật cơ sở dữ liệu về lao động người khuyết tật, có chính sách riêng đối với lao động nữ là người khuyết tật…
Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được ưu đãi về vốn vay và thời gian trả nợ, để các cơ sở có vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị kỹ thuật, tổ chức sản xuất, bố trí nơi ăn, chốn ở cho người khuyết tật…
Thùy Dương