Với khu vực HTX, để tạo thêm việc làm cho lao động thì việc dạy nghề là bước quan trọng giúp bảo đảm được năng suất, chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, những năm gần đây, HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 200 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Vai trò "bà đỡ" của HTX
HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam thành lập vào tháng 5-2018. Vốn điều lệ của HTX là 4 tỷ đồng. Những ngày đầu hoạt động, cơ sở may Út Hồng (nay là HTX) gặp không ít khó khăn, đặc biệt là kỹ thuật may do người lao động chủ yếu là người dân làm nông nghiệp trong xã hoặc vừa mới tốt nghiệp THPT.
Để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, việc dạy nghề là bước quan trọng giúp bảo đảm được năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Xác định chất lượng sản phẩm chính là điều kiện cốt yếu để phát triển, HTX đã chủ động mời một số thợ may kỹ thuật cao đã có kinh nghiệm làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp về làm việc tại cơ sở.
Cứ như vậy, người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người mới học nghề. Dần dần, cơ sở đã tạo dựng cho mình một tập thể người lao động có tay nghề và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc.
Ngành sản xuất chính của HTX là may xuất khẩu và hàng gia công. Ngoài hơn 30 thành viên và gần 200 lao động làm việc tại xưởng may, HTX còn có nhiều cơ sở vệ tinh là các hộ dân trong xã với trên 100 lao động, thực hiện may các sản phẩm theo yêu cầu của HTX tại gia đình. Điều đặc biệt, người lao động tại HTX có rất nhiều thành phần lứa tuổi, từ học sinh tốt nghiệp phổ thông cho tới lao động trên 35 tuổi trở về từ các khu công nghiệp. Tại đây, họ được học nghề và có việc làm ổn định.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX chia sẻ, yêu cầu xuyên suốt của HTX trong quá trình hoạt động là phải làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn giữ vai trò quan trọng để có thể chuyển dịch một bộ phận lao động từ nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
“Để nâng cao tay nghề cho người lao động, HTX đã làm việc với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện và một số trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hướng tới đào tạo bài bản, đồng bộ cho người lao động tại HTX”, Bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Đánh giá về hoạt động của HTX, Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình, cho biết: HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam là một trong số hơn 40 HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện.
Việc liên kết, phát triển nghề may công nghiệp tại nông thôn ở các HTX đang giúp người lao động không phải làm việc ở các khu, cụm công nghiệp xa nhà. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, giúp người dân có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Chúng tôi đánh giá cao hoạt động cũng như hiệu quả mà mô hình kinh tế hợp tác này mang lại và mong rằng sẽ phát triển thêm nhiều HTX có sức lan tỏa trong cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương", bà Hiền nói.
Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo
Ts. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá, giai đoạn 2016-2020 giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ, với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội đề ra.
“Trong thành quả chung đó, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững” ông Bình nhấn mạnh, đồng thời thông tin, đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.
Công tác đào tạo nghề trong khu vực KTTT, HTX đã góp phần quan trọng và giảm nghèo bền vững. |
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng nhấn mạnh vai trò của đào tạo nghề cho người nghèo. Nghèo đói có liên quan đến trình độ năng lực của con người. Do đó, kỹ năng và khả năng làm việc góp quan trọng vào giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và ổn định xã hội. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động sẽ giải quyết được vòng tròn luẩn quẩn hiện nay: Nghèo đói - không đi học - không có nghề nghiệp - nghèo đói.
Tại Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, HTX sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xã Tân Thọ đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động, chủ yếu là lao động nữ, người già và người khuyết tật, người nghèo trên địa bàn, bình quân thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX cho biết, tất cả những lao động được HTX đào tạo nghề kỹ càng từ 2-3 tháng và hoàn toàn không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào. Đồng thời, HTX cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết.
Sản phẩm của HTX hiện tại chủ yếu là hàng đan cói và đan bàn ghế. Nhờ chú trọng phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, hoạt động sản xuất của HTX ngày càng ổn định, đảm bảo được doanh thu, duy trì ổn định cho thành viên, người lao động.
Để góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao cho phát triển đất nước, góp phần quan trọng và giảm nghèo bền vững, Ts. Phạm Vũ Quốc Bình đề nghị, các cơ sở đào tạo cần hướng đến đáp ứng nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, HTX, xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, cần ưu tiên đào tạo nghề theo quy chuẩn, tăng cường đào tạo nghề dài hạn, tăng số thời gian thực hành nghề tại các doanh nghiệp, trang trại, HTX. Đa dạng hình thức dạy nghề, đổi mới nội dung dạy, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX với cơ sở đào tạo nghề
Ngoài ra, các ngành, địa phương cần chú trọng việc dự báo nhu cầu lao động có tay nghề gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, làm căn cứ cho việc đào tạo nghề phù hợp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đa chiều, bao trùm trong thời kỳ mới và là một trong những nhân tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững.
Thu Hiền