Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chính vì vậy, huyện Tủa Chùa đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề nhằm phục vụ nhân lực cho xây dựng NTM, đồng thời phục vụ nhân lực cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp.
Phát triển kinh tế, tạo việc làm
Theo thống kê của huyện, trong quá trình 10 năm xây dựng NTM, tính đến cuối năm 2019, huyện Tủa Chùa đã tổ chức 139 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT), đào tạo cho 4.627 lao động, trong đó 94% lớp đào tạo nghề nông-lâm nghiệp.
100% đối tượng học nghề là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác. Tỷ lệ LÐNT có việc làm sau đào tạo đạt 75%. Sau khi học nghề, LĐNT chủ yếu về phát triển kinh tế địa phương theo mô hình gia trại, trang trại hoặc thành lập HTX.
Mô hình nuôi cá lồng ở Huổi Só đang phát huy hiệu quả kinh tế (Ảnh: TL) |
Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, một số hộ dân trên địa bàn xã Mường Báng đã đứng ra thành lập tổ hợp tác, sau đó phát triển lên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng để cùng nhau sản xuất rau an toàn trên diện tích 1,3ha kết hợp với đào ao nuôi cá.
Các thành viên đã biết ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn và kết nối, giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị trường học để tiêu thụ sản phẩm.
Bình quân mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 100 kg rau cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn; lợi nhuận 25 triệu đồng/tháng.
Xã Huổi Só nằm trong diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La của huyện Tủa Chùa. Với lợi thế về lòng hồ thủy điện và kiến thức sau khi tham gia lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản, anh Vừ A So (bản Hồng Ngài) vay ngân hàng 40 triệu đồng đầu tư nuôi cá lồng. Đến nay, anh duy trì 14 lồng cá lăng, trê lai, chép, trắm. Lợi nhuận bình quân thu về từ 50 triệu đồng trở lên.
Mô hình sản xuất của anh So đã thu hút thêm 4 hộ cùng tham gia và phát triển lên 28 lồng cá. Để tạo thuận lợi cho hoạt động, các hộ đang cùng chính quyền địa phương hướng tới thành lập HTX. Khi hoạt động theo mô hình kinh tế hợp tác, nghề nuôi cá lồng mới thật sự phát triển và góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu.
Nhờ tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người sau học nghề tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Về phía người học cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, cho năng suất thu nhập cao hơn.
Kết quả công tác đào tạo nghề đã đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề gắn với xây dựng NTM. Ðến nay, 100% các xã trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm. Đây cũng là điều kiện để các HTX trên địa bàn hoạt động hiệu quả hơn, thu hút được những lao động có kỹ thuật tham gia sản xuất.
Đẩy mạnh thành lập HTX
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, số lượng HTX trên địa bàn huyện vẫn còn khiêm tốn (chỉ có 6 HTX nông nghiệp). Trong khi huyện có các lĩnh vực lợi thế, tiềm năng kêu gọi thu hút phát triển và đầu tư như chăn nuôi đại gia súc: Trâu, bò, dê, lợn, gia cầm địa phương; sản phẩm đồ uống rượu men lá, chè tuyết Shan; nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện, du lịch danh lam thắng cảnh địa phương…
Chính vì vậy, theo kế hoạch 2020-2030, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, làm nền tảng để thành lập các tổ hợp tác, HTX. Đây là động lực để huyện thu hút doanh nghiệp và nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Chè tuyết Shan cổ thụ là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Tủa Chùa |
Theo kế hoạch phát triển ngành nông lâm và thủy sản, đối với HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm và chuỗi liên kết, huyện hỗ trợ mua bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm, khai thác chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị sơ chế, vận chuyển, bảo quản sản phẩm không quá 500 triệu đồng/dự án.
Đối với các dự án thuộc chương trình xây dựng NTM được hỗ trợ bổ sung không quá 350 triệu đồng/dự án; các hỗ trợ khác như ứng dụng công nghệ cao tưới tiết kiệm không quá 40 triệu đồng/ha, nhà lưới không quá 40 triệu đồng/1.000 m2, nhà kính không quá 100 triệu đồng/1.000m2.
Hy vọng rằng với những hỗ trợ trên sẽ là động lực để số lượng HTX tăng lên ít nhất là gấp đôi, làm nền tảng để người dân phát triển sản xuất và hoàn thiện các tiêu chí NTM trong thời gian ngắn nhất.
Huyền Trang