Hiệu quả rõ rệt
Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), sau 10 năm thực hiện Đề án, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người sau học nghề tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Về phía người học cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, cho năng suất thu nhập cao hơn.
Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (Ảnh minh họa: Internet) |
Ước tính sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ, cả nước có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người.
Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Đào Trọng Độ, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Đề án 1956 và Đề án 1971 Đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ.
“Riêng trong năm 2020 theo kế hoạch đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt thì riêng phần đào tạo sơ cấp và đào tạo nghề nghiệp khác cho lao động nông thôn chiếm khoảng 1.680.000 người trong tổng số 2.260.000 người, trong đó khoảng 50% số người được hỗ trợ kinh phí đào tạo từ nguồn ngân sách và các nguồn khác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nên tất cả các địa phương chưa tổ chức đào tạo nghề mà mới chỉ là công tác chuẩn bị. Sau khi hết cách ly, Vụ Đào tạo thường xuyên sẽ đôn đốc các địa phương triển khai đào tạo nghề để kịp tiến độ”, ông Độ cho biết.
Phải coi là nhiệm vụ quan trọng
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được coi trọng đúng mức.
Thông qua đào tạo nghề nâng cao chất lượng, tạo việc làm, ổn định cuộc sống của lao động nông thôn (Ảnh minh họa: Internet) |
Nhiều bộ, ngành, địa phương, cán bộ và xã hội nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh, có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp. Một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề đào tạo...
Bên cạnh đó, nhiều lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đào tạo nghề. Đối tượng lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn rất hạn chế nên việc phát huy hiệu quả học nghề chưa cao.
Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện chiến lược cũng như quy hoạch của Đề án 1956. Do vậy nguồn lực dành cho đào tạo nghề lao động nông thôn năm nay khá dồi dào.
Tuy nhiên, những năm trước nguồn lực từ trung ương và của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chuyển về đầy đủ, nhưng về cơ bản các tỉnh bố trí dành cho đào tạo nghề lao động nông thôn rất hạn chế. Một số tỉnh không không sử dụng hết, thậm chí sử dụng vào mục đích khác. Rất ít địa phương sử dụng hết, về tổng thể chỉ sử dụng từ 50 - 60% kinh phí, có tỉnh chỉ đạt khoảng 30% kinh phí sử dụng đúng mục đích.
Do vậy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mong muốn các địa phương cần sử dụng kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng mục đích, qua đó nâng cao chất lượng, tạo việc làm, ổn định cuộc sống của lao động nông thôn, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.
“Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề. Coi kết quả đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một tiêu chí để công nhận tập thể và cá nhân hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Phạm Duy