Thành lập từ năm 2009, đến nay, HTX đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc. Theo những người lao động tại đây cho biết trước khi vào làm việc cho HTX, họ đều là những lao động phổ thông, chưa có trình độ tay nghề. Thế nhưng, được HTX quan tâm, tạo điều kiện, trong quá trình vừa học vừa làm, họ đã trở thành những “hạt nhân” để duy trì sự phát triển của HTX.
Tạo việc làm với thu nhập khá
Anh Nguyễn Bỉnh Tùng, một thợ tiện đang làm việc tại HTX kể rằng: “Sau khi học xong phổ thông, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc ổn định. Sau một thời gian dài nay đây, mai đó, tôi đã xin vào HTX Ngự Tùng để vừa học nghề vừa làm việc. Sau nhiều năm rèn luyện, bây giờ tôi đã trở thành thợ lành nghề, có mức thu nhập khá mỗi tháng”.
Cũng giống như anh Tùng, anh Nguyễn Văn Điệp, chuyên làm công việc tiện lộc bình chia sẻ: “Tôi cảm thấy may mắn và trân trọng khi được HTX nhận vào làm việc với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng”.
HTX là nơi đào tạo nghề tin cậy cho những lao động muốn học nghề mộc |
Theo ông Nguyễn Bỉnh Ngự, Giám đốc HTX Ngự Tùng, trước khi vào HTX, các thành viên đều hoạt động trong lĩnh vực nghề mộc nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng được những đơn hàng lớn nên ai nấy cũng đều gặp nhiều khó khăn trong việc giữ nghề và duy trì cuộc sống thường ngày. Vì vậy, HTX Ngự Tùng ra đời nhằm mục đích giúp các thành viên có công việc ổn định cũng như cùng chung sức phát triển nghề nghiệp, hoạt động kinh doanh.
Hiện nay, HTX không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho 11 lao động địa phương với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng mà lợi nhuận của đơn vị cũng ước đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mặt khác, HTX còn là nơi đào tạo nghề tin cậy cho những lao động muốn học nghề mộc. Những năm qua, hàng chục người khi tìm đến học nghề đã được HTX dạy nghề chu đáo, giờ đã trưởng thành tìm được việc làm ổn định ở nhiều xưởng mộc khác.
Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, HTX cũng luôn chủ động, mạnh dạn cho các lao động tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn, cáp lớp đào tạo ứng dụng các thiết bị công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như coi trọng “chữ tín” với khách hàng. HTX xác định không chỉ đào tạo nghề để tăng năng suất lao động mà điều quan trọng là có được những người thợ có tay nghề cao để tạo ra những sản phẩm phải có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Để có được sản phẩm chất lượng cao, HTX phải chọn lao động và đào tạo rất cẩn thận, rồi những cán bộ thiết kế được đào tạo bài bản, hướng dẫn thợ chạm khắc từng nét hoa văn hết sức tỷ mỷ, cầu kỳ. Trước khi giao hàng, người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn phải trực tiếp kiểm tra các sản phẩm.
Một người thợ đã qua đào tạo đang thao tác tiện lộc bình. |
Tập trung đào tạo lao động
Nhờ coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức cho người lao động, HTX không những duy trì được uy tín thương hiệu sản phẩm, giữ thị trường truyền thống, HTX còn chủ động tìm kiếm thị trường mới để sản phẩm làm ra vươn xa hơn nữa, tạo cho sự phát triển bền vững.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện có trên 85% số người được đào tạo nghề nông nghiệp của tỉnh đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhiều gia đình sau khi học nghề đã thoát nghèo, có mức thu nhập kinh tế trung bình và khá.
Ông Trần Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tỉnh đang tập trung đào tạo cho lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp, lao động thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành viên quản lý của các HTX và đào tạo nghề cho an sinh xã hội ở các vùng khó khăn.
Việc đào tạo nghề dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân. Vì vậy, các địa phương cần làm tốt khâu khảo sát, tư vấn về học nghề, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thu Huyền