Các lớp đào tạo ngắn hạn được người lao động quan tâm |
Một trong những nội dung quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là dạy nghề nông nghiệp. Vấn đề này cũng được huyện Chợ Mới chú trọng nhằm phát huy thế mạnh địa phương. Phát triển ngành nghề chăn nuôi cũng được đánh giá là phù hợp với năng lực, nhu cầu của người lao động.
Bắt nhịp thị trường
Chủ động tại địa phương chính là yếu tố hàng đầu dẫn đến sự thành công của huyện trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện đã phối hợp với ngành nông nghiệp gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chính vì vậy, các lớp đào tạo nghề LĐNT dần bắt nhịp với xu thế.
Trong khi một số xã phát triển một số sản phẩm như: Chè, mật ong, rượu chuối, bim bim chuối, bún khô, trà mướp đắng rừng thì một số địa phương phát triển mô hình trồng rau, dưa lê, bò khai, mướp đắng rừng, nuôi gà, bò, chế biến thức ăn chăn nuôi… theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc ứng dụng công nghệ cao...
Song song đó, các lớp dạy nghề tương ứng cũng được mở ra ở từng địa phương giúp người lao động nắm được nhu cầu sản xuất của thị trường. Các lớp đào tạo nghề này đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động.
Theo lãnh đạo huyện Chợ Mới, việc lựa chọn nghề, đào tạo nghề để LĐNT có thể làm nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, đòi hỏi địa phương phải xác định được nhu cầu đào tạo phù hợp; nắm bắt được thế mạnh, cũng như các điều kiện liên quan để đưa ra được những ngành nghề đào tạo hiệu quả.
Đặc biệt, khi đào tạo nghề gắn với thực hiện chương trình OCOP, địa phương đã đưa doanh nghiệp, HTX vào lựa chọn nghề đào tạo. Chính quyền cấp xã cũng là cầu nối để triển khai đào tạo nghề, gắn với đầu ra của sản phẩm cho nông dân. Đây là điểm mấu chốt để đưa ra được đúng các ngành nghề nông nghiệp cần được đào tạo.
Bên cạnh đó, để người học tiếp thu nhanh và ứng dụng đúng, trúng, các lớp dạy nghề đều được tổ chức ngay tại các thôn, bản, HTX- nơi có học viên đăng ký tham gia học nghề, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề tham gia học tập. Học viên còn được thực hành ngay trên mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả học tập. Việc thực hiện phương pháp “cầm tay chỉ việc” giúp học viên nắm rõ và áp dụng trực tiếp vào sản xuất mang lại sự chuyển biến rõ nét.
Xây dựng thương hiệu
Theo đánh giá của UBND huyện, công tác đào tạo nghề của huyện đã góp phần nâng cao kỹ năng sản xuất của LĐNT. Năm 2016 số lao động có nhu cầu đào tạo là 18 lớp, 540 lao động; năm 2017 tổng số lao động có nhu cầu đào tạo là 22 lớp với 660 lao động; năm 2018 tổng số lao động có nhu cầu đào tạo là 13 lớp, 390 lao động.
HTX Như Cố đã ứng dụng khoa học vào sản xuất từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động |
Kết quả, tổng số lao động được đào tạo nghề của huyện Chợ Mới từ năm 2016 đến nay là 841 lao động với 28 lớp được mở; đối tượng học nghề chủ yếu là đối tượng dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo... Số lao động được tạo việc làm sau học nghề là 443 lao động, tỷ lệ có lao động có việc làm sau đào tạo năm 2016 là 75%, năm 2017 là trên 77%...
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện hiện nay cũng hình thành được các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhờ chú trọng đào tạo nghề như HTX Thắng Lợi, xã Bình Văn; HTX Thành Đạt, HTX 20/10, xã Nông Hạ; HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố, xã Như Cố. Các HTX đã từng bước mở rộng dịch vụ và phát triển sản xuất dựa trên thế mạnh của địa phương, mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, tạo việc làm cho người lao động trong các HTX, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Theo lãnh đạo huyện Chợ Mới, nhờ bắt nhịp được nhu cầu thực tiễn trong đào tạo nghề, chương trình OCOP của huyện cũng đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, huyện có 5 sản phẩm được đánh giá đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: Trà mướp đắng rừng, chè búp khô của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố; mật ong của HTX Thành Đạt; chè Shan tuyết của HTX Bản Cháo và bún khô của HTX 20/10.
Huyền Trang