Ngoài ra, đào tạo lao động trong các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của các doanh nghiệp chiếm 10%; lao động thuộc diện chính sách, an sinh xã hội 70%. Qua đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 67%; có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%; lao động có việc làm đúng ngành nghề đào tạo đạt từ 80% trở lên.
Đào tạo theo vùng
Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên tập trung đào tạo các nghề chế biến, nuôi trồng thủy sản phục vụ các nhà máy, DN trên địa bàn; đào tạo các nghề sửa chữa máy tàu thủy, nhân lực phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ; trồng trọt, chăn nuôi thú y, phục vụ phát triển kinh tế hộ.
Tiểu vùng Tây sông Hậu đào tạo nghề chế biến thủy sản, các ngành nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động cho Khu công nghiệp Thạnh Lộc, Khu cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao); đào tạo các nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chăn nuôi gia súc - gia cầm, trồng cây ăn quả, trồng lúa chất lượng cao.
Đối với Tiểu vùng U Minh Thượng, đào tạo các nghề gắn liền với các khu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Xẻo Nhàu (An Minh), trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, các mô hình tôm - lúa, lúa - cua, lúa - cá, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản nước mặn - nước lợ, chăn nuôi gia súc - gia cầm.
Tiểu vùng biển đảo tập trung đào tạo các nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, thuyền trưởng - máy trưởng, thủy thủ tàu cá - tàu biển, nhân lực phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, trồng trọt, chăn nuôi… nhằm phục vụ nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển đảo và phát triển hai huyện đảo là Phú Quốc, Kiên Hải và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, thành phố Hà Tiên.
Để làm được điều đó, Kiên Giang đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho công tác giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đào tạo nghề không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Một lớp đào tạo nghề cơ khí tại Kiên Giang |
Nâng cao chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo được nâng lên từng bước đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực, quốc tế và phát triển KT-XH của tỉnh. Do vậy, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 70 - 80%, cá biệt có một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm 100%.
Tỉnh đã xây dựng và lồng ghép các đề án, chương trình như: Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT); chương trình xây dựng phát triển nông thôn mới; dự án vay vốn giải quyết việc làm, kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề làm việc khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; kế hoạch đào tạo lao động nhân lực có tay nghề cao… để triển khai thực hiện.
Các học viên tham gia các lớp đào tạo nghề đã phát huy được hiệu quả kiến thức áp dụng vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Là một HTX chuyên canh tôm, các thành viên HTX ấp Căn Cứ (xã Vĩnh Phong) sau khi tham gia lớp đào tạo nghề nuôi tôm đã nắm được quy trình, kỹ thuật và đạt được thành công.
Những cánh đồng cỏ năn, cỏ lác mọc um tùm được HTX cải tạo thành ruộng tôm, mang lại thu nhập cao cho thành viên. Đến nay, ngoài tạo việc làm và thu nhập cho 27 thành viên, HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho hơn chục lao động địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nhấn mạnh: “Để đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; chú trọng việc sau khi học nghề tạo điều kiện phát triển sản xuất, có việc làm trong các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình, ngành nghề đào tạo sát hợp với thực tế các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của địa phương, đáp ứng sự thay đổi, tiến bộ của KH-KT và công nghệ mới; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện máy móc, thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề hiệu quả; hỗ trợ LĐNT khi học nghề.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nghề cho LĐNT; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, HTX và vùng biển đảo để tạo điều kiện giải quyết việc làm cho LĐNT sau khi học nghề.
Hà Xuyên