Tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh” , Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) và trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Vương quốc Anh, vì đây là một trong những đối tác truyền thống với hệ thống đào tạo nghề được duy trì theo những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt.
Cung - cầu chưa gặp nhau
Chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và hội nhập quốc tế vẫn đang là một thách thức đối với Việt Nam. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với tương quan chung trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, tại trụ cột 6 về nhân lực, kỹ năng của lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 93 trong 140 nền kinh tế được đánh giá.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. Một khảo sát cho thấy, có khoảng 73% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam đang thiếu lao động kỹ thuật cao. Hiện cả nước có chưa đến 30% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, còn lại phần lớn thiếu kỹ năng nghề, không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
![]() |
Hợp tác đào tạo nghề giúp nâng chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam tiệm cận với thế giới (Ảnh minh họa: Int) |
Trong khi đó, bối cảnh hiện nay, thị trường mở ra nhiều ngành nghề mới yêu cầy tay nghề, kỹ năng cao. Nếu trình độ hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước thì lao động Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nghề nghiệp, đồng thời khó trụ vững trước những biến động lớn của thị trường như đại dịch Covid-19, xu hướng dịch chuyển việc làm.
TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, có một vấn đề đặt ra hiện nay là nhận thức xã hội luôn hướng tới bằng cấp cao nên nhiều người dân, học sinh, sinh viên ở Việt Nam đã không hiểu được vai trò của giáo dục nghề nghiệp. Điều này khiến học sinh, thanh niên lựa chọn sai trong con đường học tập, tìm kiếm việc làm, gây lãng phí tiền bạc và thời gian cho gia đình và Nhà nước.
Đi liền với đó, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn gặp những hạn chế nhất định. Đại diện Skills for Logistics (Vương Quốc Anh) cho rằng, đào tạo nghề logistics ở Việt Nam chưa có sự hiểu nhau giữa các cơ sở dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Trong khi các sinh viên hiểu rằng nghề logistics không mang lại nhiều hào hứng trong khi học và làm, nên xảy ra tình trạng sinh viên khó tìm được việc và doanh nghiệp cũng khó tìm được lao động.
Học đi đôi với hành
Ông Jonathan Ledger, chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, Bộ Thương mại quốc tế Anh cho biết, trong một buổi hội thảo tại Philippines, trước câu hỏi có bao nhiêu quý vị ngồi đây có bằng đại học, đã có tới 3.000 người giơ tay biểu thị không có bằng đại học nhưng có bằng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 11 người hiện đang là bộ trưởng ở các lĩnh vực khác nhau!
Điều này cho thấy, giáo dục nghề nghiệp chính là con đường phát triển cho những ngành nghề chuyên môn khác nhau, thậm chí là những ngành nghề yêu cầu kỹ năng cao trong xã hội.
Việt Nam cũng có tiêu chuẩn nghề quốc gia để đánh giá người lao động, tuy nhiên điều này mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực. Vậy làm sao để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, các chuyên gia cho rằng, hợp tác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các nước trong khu vực và trên thế giới là một trong những giải pháp quan trọng.
Hiện, người dân Anh luôn tự hào khi giáo dục chính là một trong những “mặt hàng xuất khẩu” lớn nhất của đất nước mình. Đi liền với đó, chất lượng giáo dục nghề nghiệp của quốc gia này được duy trì theo các tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt, với phương pháp đào tạo, mô hình, sản phẩm và hệ thống văn bằng, chứng chỉ được sử dụng, công nhận và được tin cậy trên toàn thế giới.
Hiện, tất cả những người dân ở Anh quốc đều có thể xin được các chương trình tài trợ để có thể hoàn thành các chương trình đào tạo nghề nhằm tạo ra những thay đổi trong cuộc sống.
Ông Jonathan Ledger cho biết, một trong những điểm nhấn trong đào tạo nghề ở Anh và được chứng minh là mang lại hiệu quả cao đó chính là ưu tiên vấn đề vừa học vừa làm. Đây là mô hình kép, kết hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhà trường với doanh nghiệp và cũng là sự kết hợp tốt nhất giữa giáo dục chất lượng cao với cố vấn tại nơi làm việc và phát triển kỹ năng.
Các phương pháp kỹ năng/TVET của Vương quốc Anh rất coi trọng quan điểm của người sử dụng lao động. Thông tin thị trường lao động được sử dụng thống nhất, thông minh để đảm bảo rằng các yếu tố giáo dục và kỹ năng cần thiết của người lao động có thể mang lại hiệu suất cao và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu môi trường làm việc khi cần.
Ngành giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp của đất nước này cũng luôn phối hợp với nhau theo cách cộng sinh để đạt được thành công cho cả người học và người sử dụng lao động.
Muốn làm được điều đó, các chuyên gia cho rằng, tổ chức giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần xác định phải hiểu được nhu cầu của lực lượng lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục cần cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chuyên môn... để người học có thể học linh hoạt, ở bất kỳ đâu và học “suốt đời”... nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tốt nhất cho thị trường.
TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, ngoài liên kết, hợp tác với nước ngoài, trong đó có Vương quốc Anh, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam xác định trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để bảo đảm đồng bộ các dữ liệu liên quan như dân cư, tuyển sinh, việc làm…, đồng thời phát triển đào tạo trực tuyến để đào tạo được linh hoạt, thích ứng với thời đại 4.0.
Đi liền với đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cũng sẽ chú trọng vào việc phát triển đội ngũ nhà giáo, quan tâm đến hệ thống chính sách và phối hợp doanh nghiệp để đảm bảo yếu tố cung - cầu của thị trường lao động.
Tùng Lâm