Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá, xác định phát triển ngành nghề nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã tập trung nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để đầu tư, hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn.
Góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động
Đào tạo phải theo nhu cầu học nghề người lao động, yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và nhiệm vụ xây dựng NTM. Đảm bảo đào tạo nghề đúng đối tượng, thực hiện đúng chế độ chính sách quy định.
Đào tạo nghề khu vực HTX nhằm góp phần nâng cao chất lượng lao động địa phương, góp phần xây dựng NTM. |
Đặc biệt từ khi thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy... từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề.
“Người lao động ở khu vực nông thôn được đào tạo nghề, cập nhật những kiến thức mới, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất đạt năng suất và hiệu quả cao, số lao động sau học nghề làm việc ở các doanh nghiệp nguồn thu nhập được tăng lên đáng kể, góp phần vào tiêu chí thu nhập là tiêu chí số 10 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Đơn cử như tại Quảng Ninh, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, bám sát địa bàn, xây dựng các chương trình đào tạo nghề sát với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu của người dân và HTX.
Các lớp dạy nghề tập trung vào những nghề mà các HTX trên địa bàn rất cần như trồng na, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, nghề đan lưới, trồng nấm.... Theo đó, sau khi được đào tạo, người lao động nhanh chóng có việc làm, phát huy hiệu quả tại HTX chủ quản.
Ông Nguyễn Văn Được, xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là một trong những nông dân được lựa chọn tham gia các lớp tập huấn trồng na VietGAP mà HTX na dai Đông Triều kết hợp với các cấp ngành tổ chức.
Theo ông Được, qua lớp dạy nghề, ông áp dụng được nhiều kiến thức về cách chọn cây giống, quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây. Nhờ đó, thời gian cây na cho quả được rút ngắn, giá trị kinh tế đem lại cao gấp 2 lần trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu về từ 150 - 200 triệu đồng từ trồng na VietGAP.
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều chia sẻ, năm 2015, thị xã Đông Triều là địa phương cấp huyện đầu tiên của miền Bắc về đích nông thôn mới; năm 2020, 100% xã của Đông Triều về đích nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, Đông Triều đang trên tiến trình về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quá trình liên tục xây dựng và nâng chất NTM kiểu mẫu, các mô hình kinh tế HTX đang đóng vai trò hết sức quan trọng. Các mô hình này giúp nâng cao trình độ sản xuất của người dân, qua đó nâng cao thu nhập và mức sống, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao và phát triển bền vững của địa phương, góp phần giảm nghèo, đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đa dạng phương thức đào tạo nghề
Thực tế xây dựng NTM cho thấy, trong số 19 tiêu chí thì tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là "cửa ải" khó nhất. Cũng vì thế, khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ triển khai, các địa phương đều đón nhận rất nhiệt tình. Đây được coi là nguồn lực quan trọng "tiếp sức" xây dựng NTM.
Các mô hình kinh tế HTX đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng NTM. |
Việc tổ chức đào tạo nghề tại các xã xây dựng NTM đã thật sự bám sát quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của ngành để từ đó hình thành được các tổ hợp tác, HTX, các cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp tại các xã xây dựng NTM theo hướng hợp lý, tạo bước đột phá để thực hiện các tiêu chí còn lại.
Ở một số nơi, đào tạo nghề đã và đang mang hiệu quả, nhất là các mô hình dạy nghề đã hình thành sản xuất mới đem lại hiệu quả cao, đó là: mô hình Kỹ thuật nhân giống lúa; Kỹ thuật nuôi cua biển; Kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho gà, vịt, heo; Kỹ thuật trồng rau an toàn; Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; Đan đát; May công nghiệp cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất... Và còn có nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác, HTX bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.
Như tại HTX Trung Kiên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đến nay đã mở hơn 10 lớp học nghề làm lông mi xuất khẩu, móc hộp xuất khẩu cho lao động nữ. Lao động sau học nghề, tranh thủ lúc nông nhàn làm các nghề để tăng nguồn thu nhập thêm cho gia đình, cải thiện đời sống.
Chị Phạm Thị Ngân, Giám đốc HTX cho biết, nhằm giúp chị em phụ nữ địa phương có việc làm tại nhà, tận dụng thời gian nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cũng đóng góp vào tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, HTX đã phối hợp với Hội phụ nữ xã hướng dẫn, đào tạo cho các chị em phụ nữ trong xã học nghề may túi xách thành thạo.
"Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều đối tượng phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho 150 hội viên, phụ nữ địa phương với mức thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn mở rộng thêm nghề đan cói, thu hút khoảng 50 chị em phụ nữ tham gia", chị Ngân cho hay.
Có thể thấy, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong quá trình xây dựng NTM được phát huy hiệu quả, cần tập trung phát triển HTX kiểu mới gắn với giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề.
Bên cạnh đó cần mở rộng và đa dạng hóa loại hình dạy nghề, tạo điều kiện, cơ hội cho lao động nông thôn có nguyện vọng học nghề đều được đáp ứng. nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo được chuyển giao kiến thức KHKT, kỹ năng nghề, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM.
Hoàng Hằng