Nếu trước đây, các lớp dạy nghề chủ yếu hướng tới số lượng, ít quan tâm tới chất lượng, việc làm sau đào tạo, thì nay các khóa học được tổ chức chuyên nghiệp, giúp người dân nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, từ đó nắm bắt kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao.
Nhiều chuyển biến tích cực
Thời gian qua, để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn đạt hiệu quả, huyện Hoằng Hòa (Thanh Hóa) đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, mở lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Trong quá trình dạy nghề, huyện tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới, có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc.
Kết quả, đến nay, toàn huyện có gần 10.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề và truyền nghề. Trong đó, số lao động được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ mới là trên 2.000 người; số lao động được truyền nghề là gần 4.000 người. Kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 70%.
Đào tạo nghề là chìa khóa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. |
Đáng chú ý, qua khảo sát, đang có trên 30.000 lao động trên địa bàn huyện làm việc trong các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện với mức thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, các HTX đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo nghề tại địa phương.
Điển hình, trong 3 năm qua, các cơ quan tổ chức đào tạo nghề của huyện Hoằng Hóa đã phối hợp với HTX tiểu thủ công nghiệp Trung Kiên (xã Hoằng Trung), HTX Trường Sơn (xã Hoằng Hợp), HTX Đông Thành (xã Hoằng Tiến) tổ chức hơn 30 lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề tiểu thủ công nghiệp cho người lao động.
Đơn cử, tại HTX Trung Kiên, đến nay đã mở hơn 10 lớp học nghề làm lông mi xuất khẩu, móc hộp xuất khẩu cho lao động nữ. Lao động sau học nghề, tranh thủ lúc nông nhàn làm các nghề để tăng nguồn thu nhập thêm cho gia đình, cải thiện đời sống.
Cũng có được những thành công đáng ghi nhận trong công tác dạy nghề, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã đào tạo cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 60%.
Một trong những giải pháp hiệu quả đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT mà tỉnh luôn chú trọng đó là gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm tại các HTX trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Cụ thể, kể từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo cho trên 1.000 lao động trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX thuộc các ngành nghề phi nông nghiệp như tại các HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (Ninh Phước), HTX dịch vụ tổng hợp Phước Thắng (Bác Ái), HTX Mông Nhuận (Ninh Phước)…
Thu nhập của người lao động sau học nghề tăng từ 3,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng. 100% các lao động được đào tạo, tham gia công tác, làm việc tại các HTX có thu nhập ổn định, nhiều hộ có kinh tế khá giả.
Thêm điểm tựa bứt phá
Trong số những HTX làm tốt công tác đào tạo nghề ở Ninh Thuận không thể không nhắc tới HTX Mông Nhuận, huyện Ninh Phước. HTX không những khẳng định được vị thế vững chắc của mình trên thị trường mà còn có sự tăng trường rất khả quan trong công tác đào tạo nghề nông thôn.
Qua quá trình hoạt động, HTX Mông Nhuận luôn chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển ngành nghề nông thôn như: Phối hợp với Trung tâm đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân, Hội nông dân tỉnh mở nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn ở nông thôn như mây tre đan xuất khẩu, cạo vỏ lụa hạt điều... thu hút nhiều lao động và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Ngoài ra, HTX còn liên kết với công ty xuất khẩu nông sản tỉnh giải quyết việc làm cho lao động bóc vỏ lúa hạt điều trong thời vụ nông nhàn, tăng thu nhập thêm cho thành viên...
Các HTX cũng đang phát huy tốt vai trò trợ lực trong công tác đào tạo nghề vào tạo việc làm cho lao động tại Cao Bằng. Đơn cử như HTX Chế biến gỗ Sông Hiến, TP Cao Bằng, từ khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã tập trung đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Hay như HTX Dịch vụ thương mại và Xây dựng nông, lâm nghiệp Hòa Thuận, huyện Phục Hòa được thành lập và hoạt động từ năm 2006, nhưng thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã giải quyết được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Nhờ đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất kinh doanh, HTX tạo việc làm ổn định cho 18 lao động với mức lương bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Vốn điều lệ thành viên đóng góp từ 800 triệu đồng năm 2009 đến nay tăng lên 5 tỷ đồng.
Những kết quả thực tế cho thấy công tác dạy nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập, giúp các địa phương nâng cao trình độ nhân lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập bền vững. Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động, thúc đẩy dạy nghề cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng vai trò của HTX trong việc đảm bảo việc làm cho lao động sau đào tạo.
Bạch Câu