Tham dự và chủ trì họp báo có Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân, các Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Đỗ Năng Khánh, Trương Anh Dũng, Nguyễn Thị Việt Hương cùng đại diện một số bộ, ngành trung ương, Ban tổ chức của Diễn đàn.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông tin tại họp báo |
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có nhiều vượt trội, đặc biệt sau 30 năm đổi mới, chúng ta có nhiều tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, trong giáo dục nghề nghiệp, chúng ta cần có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện, chúng ta có hơn 55 triệu lao động, trong đó mới chỉ có khoảng hơn 24% lao động qua đào tạo. Đặc biệt, Việt Nam hiện có hơn 35% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và rất ít được đào tạo, trình độ còn hạn chế. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn cần đến lao động qua đào tạo. Chính vì thế, sự tham gia chung tay của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực đối với các trường cao đẳng, trường nghề còn nhiều bất cập, hạn chế. Hiện tại, nguồn nhân lực của Việt Nam đang rất thấp so với yêu cầu thực tế, trong khi đó đáng ra trình độ nguồn nhân lực phải đi trước. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp về lao động có kỹ năng nghề là rất lớn. Tuy nhiên, tâm lý và nhận thức chung của xã hội lại đang hướng nguồn lực vào đào tạo đại học. Do vậy, sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đồng hành với công tác đào tạo nghề nghiệp, sự tham gia tích cực của người dân về đào tạo người có kỹ năng nghề là rất cần thiết.
![]() |
Toàn cảnh cuộc họp báo |
Dự báo, nhu cầu tuyển dụng trong 5 năm gần đây có kỹ năng tay nghề là rất lớn, trong khi đó mong muốn được đào tạo đại học là rất lớn. Đây là những bất cập, khó khăn trong đào tạo nghề. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chủ yếu theo hướng truyền thống, nhiều lý thuyết, hàn lâm, ít gắn với thực hành nên khả năng đáp ứng nhu cầu đi làm ngay còn còn thấp... Do vậy, các cơ sở, nhà trường phải chú trọng đào tạo gắn với thực hành, có phương hướng truyền thông để người dân cũng như toàn xã hội nhận thức rõ hơn về giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, qua đó làm thay đổi giáo dục nghề nghiệp, làm thay đổi tư duy, đáp ứng yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp. Nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải bắt tay phối hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, cung ứng nhanh nguồn nhân lực cho xã hội, trong đó phải cùng nhau đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo song hành với quá trình làm việc tại doanh nghiệp, tìm việc làm cho người học... có như vậy mới có nguồn nhân lực tốt nhất cho doanh nghiệp mà không cần đào tạo lại, tránh lãng phí nguồn nhân lực và người lao động mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Như vậy, hy vọng trong thời gian 5 năm tới, giáo dục nghề nghiệp sẽ có sự bứt phá, năng động, tự chủ vì có sự phối hợp, bắt tay của cơ quan chức năng, nhà trường và doanh nghiệp.
![]() |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời câu hỏi của các nhà báo |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, theo dự kiến, Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” sẽ chính thức bắt đầu từ 7h30’ sáng thứ Bảy, ngày 16/11/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Theo đó, Diễn đàn được tổ chức 3 phiên dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gồm: Nguồn nhân lực có kỹ năng – Chìa khoá để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp – nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
![]() |
Các nhà báo tham gia họp báo |
Ngoài những nội dung chính, Diễn đàn còn tổ chức 5 hội thảo bên lề như: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0; Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp – góc nhìn từ doanh nghiệp; Phát triển dội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo tại doanh nghiệp; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Đổi mới có chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, còn trưng bày, giới thiệu một số hình ảnh và trang thiết bị về giáo dục nghề nghiệp, hoạt động ký kết thoả thuận hợp tác... Các hoạt động bên lề bắt đầu diễn ra từ 13h thứ Sáu, ngày 15/11/2019.
![]() |
Chủ toạ họp báo |
Được biết, đây là lần đầu tiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam. Tham gia Diễn đàn có lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, một số Bộ trưởng, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục với khoảng 1.500 đại biểu tham dự.
Diễn đàn có sự tham gia đồng tổ chức của 3 Bộ: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Phạm Duy