Từ chương trình dạy nghề này, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích, tiếp tục phát huy những kiến thức đã thu nhận được từ lớp dạy nghề, các thành viên của THT đã tổ chức sản xuất có hiệu quả mô hình chăn nuôi heo và đạt được những kết quả khả quan.
Phát huy hiệu quả
Tổ hợp tác (THT) Chăn nuôi heo rừng Ea Sar vốn chỉ có 10 người, khi phát triển lên thành HTX Dịch vụ tổng hợp chăn nuôi heo rừng Ea Sar (tháng 6/2018) đã tập hợp 30 thành viên, với lợi thế các thành viên giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và đa số đều đã có chứng chỉ đào tạo sơ cấp nghề nông nghiệp.
Vốn có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, khi được tham gia lớp dạy nghề “Chăn nuôi heo”, các thành viên của HTX dễ dàng tiếp cận kỹ thuật nuôi heo rừng. Hiện nay, HTX có tổng đàn là 470 con heo rừng, trong đó 100 con heo nái, 10 con đực giống còn lại là heo thương phẩm. HTX liên kết cung ứng sản phẩm cho các quán ăn, nhà hàng, các khu du lịch và các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh với giá bán 120.000 đồng/kg (giá heo hơi).
Anh Phạm Bá Duẩn, Giám đốc HTX, cho biết thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, liên kết với các hộ dân có chăn nuôi heo rừng để tập trung tăng đàn, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường và xây dựng thương hiệu “Heo rừng Ea Sar”.
Đồng thời, tiếp tục phát triển các ngành nghề mà HTX đã đăng ký như dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa nông sản; dịch vụ vật tư nông nghiệp; dịch vụ môi trường; dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm và quản lý chợ; kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác và quản lý chợ; dịch vụ xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi.
Các học viên lớp dạy nghề chăn nuôi được cấp chứng chỉ |
Khuyến khích phát triển
Từ kinh nghiệm của lớp dạy nghề “Chăn nuôi heo” cho thấy việc phát huy hiệu quả sau khi học nghề của nông dân là rất quan trọng và khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng trong sản xuất với quy mô phù hợp, hình thành chuỗi giá trị, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.
Theo ông Trần Văn Âm - Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Định hướng phát triển ngành chăn nuôi của xã EaSar và huyện Ea Kar sẽ phát triển chăn nuôi của địa phương theo hướng trang trại, sản xuất nông hộ có tổ chức HTX, câu lạc bộ, doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu, tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu sản phẩm cho địa phương: như thành lập HTX chăn nuôi với các sản phẩm heo rừng lai; thỏ, dê… trên địa bàn xã”.
Để hỗ trợ kinh tế hợp tác (KTHT) tại các địa phương, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tìm nhiều giải pháp như giúp các nông hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan để nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất...
Riêng năm 2017, Hội đã trực tiếp tổ chức 12 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 820 cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn cho các chi hội nghề nghiệp về xây dựng KTHT tại các huyện Krông Năng, Krông Pắc, Krông Ana và Tp.Buôn Ma Thuột với 274 học viên tham gia.
Ngoài ra, sản phẩm từ các mô hình KTHT cũng được Hội đưa đi tham gia các hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh để tạo cơ hội giúp hội viên nông dân quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hà Xuyên