Nắm được điều đó, cùng với chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh công tác dạy nghề nông thôn, bảo đảm đến năm 2020 phải có 45% lao động khu vực này đã qua học nghề (tương đương 6 triệu lao động), Gia Lai đã đặt ra mục tiêu mỗi năm đào tạo 2.000 - 4.000 lao động nông thôn (LĐNT).
Nông dân hưởng lợi
Tại Gia Lai, dạy nghề cho LĐNT được tổ chức ngay tại nhà văn hóa hay nhà rông của làng. Người học được học theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, vừa thực hành vừa kết hợp lý thuyết cơ bản, dễ nhớ nên dù thời gian học ít nhưng học viên vẫn biết làm nghề.
Bà Võ Thị Hoài Ân - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đak Đoa, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm được UBND huyện giao nhiệm vụ trực tiếp dạy nghề cho LĐNT và ký kết hợp đồng giáo viên cơ hữu để dạy nghề. Trên cơ sở yêu cầu nghề nghiệp của bà con mà Trung tâm lựa chọn nghề dạy. Hiện Đak Đoa có mô hình học nghề nề là hiệu quả nhất. Đặc biệt, xã Glar đã thành lập được tổ liên kết xây dựng cho những lao động đã qua đào tạo nghề nề.
Ở huyện Chư Prông, mô hình học nghề sửa chữa máy nông nghiệp và điện cũng thu hút nhiều lao động tham gia. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện 16 - 20 lớp dạy nghề (35 học viên/lớp) với các ngành nghề chính: Điện, nề, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi kết thúc lớp học, 100% lao động đều tự tạo việc làm và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, các lớp đào tạo nghề trồng cây công nghiệp dài ngày thế mạnh như: Cao su, cà phê, điều, tiêu… cũng được tỉnh chú trọng nhằm trang bị cho người dân kiến thức và tay nghề về sản xuất cây công nghiệp chất lượng tốt, năng suất cao, ổn định và bền vững theo hướng tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ, 4C).
Đặc biệt, tỉnh đã liên hệ với nhiều DN để cùng dạy nghề cho người dân nên mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là thông qua các dự án, tỉnh đã cùng công ty Trà và Cà phê toàn cầu Jacobs Douwe Egberts (JDE), công ty Louis Dreyfus Company (LDC) đào tạo nông dân về kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hóa nông và an toàn lao động, cung cấp cho nông dân kỹ năng thiết thực trồng cà phê, sử dụng sản phẩm sao cho hiệu quả hơn.
Đến nay, hơn 2.000 LĐNT trên địa bàn tỉnh đã nắm được kỹ thuật sản xuất cây công nghiệp bền vững và được hưởng lợi từ các lớp đào tạo nghề thông qua những kiến thức mình đã được học.
Các lớp đào tạo nghề trồng cây công nghiệp dài ngày là thế mạnh của tỉnh |
Nâng cao chất lượng
Theo ông Lê Văn Thành - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, hàng năm, tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, chỉ đạo các địa phương chỉ tổ chức dạy nghề cho LĐNT khi xác định được việc làm, nơi làm việc, có thu nhập ổn định sau học nghề.
Bên cạnh sự vào cuộc của các trung tâm dạy nghề, tỉnh còn huy động sức mạnh của mô hình kinh tế hợp tác để đẩy mạnh hiệu quả công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho LĐNT vì các HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thu hút được nhiều LĐNT.
Hiện toàn tỉnh có 152 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, tổng số 15.921 thành viên, giải quyết việc làm cho 1.646 lao động tại địa phương.
Đặc biệt, các HTX trên địa bàn không chỉ có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương mà còn giải quyết việc làm tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong những lúc nông nhàn. Tại xã Gla (ÐĐak Đoa), HTX dệt thổ cẩm của xã mỗi năm tổ chức 3 - 6 lớp đào tạo nghề dệt (mỗi lớp thu hút khoảng 50 lao động).
Với giải pháp quyết liệt, cách làm thiết thực, chất lượng đào tạo nghề của tỉnh đã từng bước được nâng cao. Theo kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh sẽ đào tạo nghề cho gần 3.000 LĐNT. Đến nay, số lao động được đào tạo đã đạt gần 80% kế hoạch.
Như Yến