Thực tế cho thấy, việc học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, huyện Đạ Huoai nhận thấy cần phải tiếp tục đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu của mình.
Cung đi đôi với cầu
Trước đây, công tác đào tạo nghề của huyện không thu hút được người lao động bởi nhu cầu sử dụng lao động nghề phi nông nghiệp trên địa bàn rất ít. Trong đó, một số nghề người dân có nhu cầu học thực sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề. Từ đó, dẫn đến tình trạng thừa mà thiếu lao động ở nhiều địa phương trong huyện.
![]() |
Nhiều người dân được học nghề phù hợp |
Từ thực tế trên, chính quyền huyện đã nhận ra rằng phải có cơ chế khuyến khích thu hút, kêu gọi, ưu đãi cho doanh nghiệp lên vùng khó khăn sản xuất kinh doanh. Song song đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để tránh tình trạng người dân háo hức học nghề xong nhưng lại không biết làm việc ở đâu. Đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số phải theo đặc thù, truyền thống của các dân tộc, không thể mang nghề từ Hà Nội lên truyền dạy, đào tạo ở vùng Tây Nguyên được.
Cụ thể, huyện đã phối hợp xây dựng các chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tổ chức sản xuất. Các doanh nghiệp, HTX cũng sẽ phối hợp với nông dân, đơn vị đạo tạo để sử dụng nguồn lực của địa phương một cách hợp lý, tạo việc làm cho người nông dân.
Chúng tôi đến thăm cơ sở dạy nghề dệt thổ cẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Châu Mạ (xã Phước Lộc). Hiện cơ sở dạy nghề dệt Tổ hợp tác giải quyết việc làm cho 16 lao động và khoảng 100 phụ nữ nhận nguyên vật liệu về làm tại nhà với thu nhập bình quân 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Nghề dạy nghề, rồi người đi truyền nghề, đến nay, tất cả 16 thành viên của Tổ hợp tác đều trở thành những người thầy dạy nghề dệt thổ cẩm cho hàng trăm phụ nữ, người khuyết tật trên địa bàn. Các sản phẩm dệt thổ cẩm còn được xuất khẩu thông qua các công ty ở Biên Hòa, Tp.HCM.
Theo ngành LĐTB&XH, Tổ hợp tác Châu Mạ là mô hình dạy nghề dệt thổ cẩm tiêu biểu của huyện. Không chỉ là nơi đào tạo nghề, Tổ hợp tác còn là nơi tạo việc làm cho lao động. Việc này đã giúp HTX liên kết được với doanh nghiệp để phát triển sản xuất.
![]() |
Dạy nghề thủ công cho lao động nông thôn. |
Đào tạo đa dạng
Ngoài dệt thổ cảm, một số ngành nghề khác cũng được huyện chú trọng đào tạo nghề như: nuôi heo nái sinh sản, đan sọt tre, mây tre đan, bóc hạt điều, nuôi gà thả vườn, nuôi ba ba, trồng ca cao xen điều, trồng nấm rơm, nuôi bò cao sản, bò sữa, thỏ, nuôi cá nước ngọt, nuôi heo đen trong vùng dân tộc, trồng dâu nuôi tằm, trồng khoai môn năng suất cao...
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh khôi phục các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan len, thêu ren, chế biến bún… nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác từng bước thành lập Tổ hợp tác, HTX.
Trong ngành may mặc, HTX May mặc An Lộc và HTX Tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Nguyên là hai đơn vị tạo việc làm ổn định cho khoảng 80-100 người lao động, trong đó phần lớn là chị em phụ nữ, người khuyết tật.
Ngoài ra còn có Tổ hợp tác trồng nấm rơm tại xã Bảo Thuận đào tạo nghề trồng nấm vào tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 42 lao động. Hay HTX tiểu thủ công nghiệp Kim Thoa chuyên hàng dệt móc len và HTX Tân Lập (xã Tân Văn) chuyên trồng dâu nuôi tằm... Các HTX này đều chú trọng đào tạo nghề phù hợp với năng lực trình độ của người lao động để họ dễ dàng áp dụng kiến thức vào sản xuất.
Theo UBND huyện việc tập trung phát triển kinh tế tập thể đi đôi với thu hút doanh nghiệp đã mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi tham gia các Tổ hợp tác, HTX, các thành viên và người lao động còn có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, hoạt động của các HTX, Tổ hợp tác còn góp phần tích cực giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Như Yến