Chị Nguyễn Thị Bông (33 tuổi ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lộc) nhà ít ruộng đất, nghề nghiệp không ổn định lại nuôi 2 con đang trong độ tuổi đến trường, cuộc sống của vô cùng khó khăn.
Hiệu quả nghề đan lục bình
Sau khi cùng nhiều chị em phụ nữ trong ấp tham gia lớp học nghề đan giỏ xách, chậu, bình hoa bằng lục bình ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hồng Dân thì chị đã có việc làm ổn định.
![]() |
Nghề đan lục bình giúp nhiều lao động nữ ở huyện Hồng Dân có thu nhập ổn định. |
Nhờ có tay nghề và tham gia làm việc ở HTX đan lát lục bình Quyết Tâm ở xã Vĩnh Lộc đã giúp chị Bông có được thu nhập ổn định với 5 triệu đồng/tháng.
HTX này hiện tạo việc làm và thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng cho 300 lao động ở các xã trên địa bàn huyện Hồng Dân. Định hướng của HTX trong thời gian tới là tiếp tục đào tạo nghề cho người dân và sáng tạo ra những mẫu mã mới kết hợp mở rộng sang làm thêm các sản phẩm từ dây nhựa, cói, bẹ chuối để đa dạng sản phẩm.
Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc, cho biết: Thời gian qua, HTX đan lát lục bình Quyết Tâm đã giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi trên địa bàn, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh tiêu chí xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, huyện Hồng Dân đang duy trì tốt nghề đan lục bình, đan dây nhựa với 1.509 lao động. Qua các mô hình này đã giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi trên địa bàn, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
Hồng Dân là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do vậy, công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh nghề đan lục bình thì hoạt động đào tạo nghề cho người lao động nữ tại huyện Hồng Dân đạt hiệu quả cao, nhiều học viên sau học nghề có việc làm ổn định giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, giúp nhiều người dân thoát nghèo, cụ thể nhóm nghề phi nông nghiệp như: Nghề đan đát lục bình, nghề đan giỏ nhựa,... sau đào tạo hầu hết có việc làm tại chỗ, có hợp tác xã thu mua, bao tiêu sản phẩm.
“Cầm tay chỉ việc" vừa học, vừa làm
Các mô hình đào tạo này mỗi năm tạo công ăn việc làm cho lao động nữ phần lớn là phụ nữ trung tuổi vừa tham gia lao động sản xuất, tăng thu nhập gia đình vừa thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình (cả hộ gia đình cũng tham gia), tận dụng được khoảng thời gian nhàn rỗi lại có thêm thu nhập.
![]() |
Dạy nghề nông thôn ở huyện Hồng Dân có hình thức đa dạng, nhất là loại hình dạy nghề “cầm tay chỉ việc vừa học, vừa làm”. |
Cho nên phụ nữ có gia đình rất hăng hái tham gia học nghề, sau khi học nghề được cơ sở, hợp tác xã thu mua bao tiêu sản phẩm tại chỗ, thu nhập mỗi người từ 3 – 5 triệu đồng/tháng đã giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi trên địa bàn, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đối với nghề nông nghiệp, sau khi được học nghề, nông dân trong huyện Hồng Dân không chỉ được nâng cao kiến thức, kỹ năng, mà còn có điều kiện áp dụng các mô hình trên đồng ruộng, mảnh vườn của mình. Hay đối với các nghề phi nông nghiệp thì cũng có nhiều nghề khai thác tốt nguồn nguyên liệu, sức lao động vốn dồi dào ở địa phương.
Thống kê cho thấy từ năm 2010 - 2015, có 2.942 lao động ở huyện Hồng Dân được đào tạo nghề (đạt 113% kế hoạch). Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã đào tạo nghề cho 2.119 lao động nông thôn (đạt 101% kế hoạch).
Số lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt từ 75 - 80% trong tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo ở huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Hồng Dân cũng được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nhất là loại hình dạy nghề “cầm tay chỉ việc" vừa học, vừa làm, từ đó giúp lao động nâng cao tay nghề và áp dụng hiệu quả trong các mô hình sản xuất.
Thanh Loan