Phú Tân là một huyện ven biển phía tây của tỉnh Cà Mau. Người dân nơi đây vốn quen với nghề nuôi tôm từ lâu. Phương pháp nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh trên địa bàn huyện trong thời gian qua được chính quyền địa phương và người nuôi tôm đặc biệt quan tâm, vì loại hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX góp sức cho nghề nuôi tôm
Vì vậy, huyện Phú Tân và các ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thâm canh nhằm giúp người nuôi nắm vững các kỹ thuật và ứng dụng hiệu quả vào thực tế.
Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh trên đầm nổi ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. |
Như hồi tháng 9/2020, Liên minh HTX tỉnh Cà Mau phối hợp UBND xã Tân Hưng Tây (huyện Phú Tân) tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền về kinh tế tập thể và kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh cho thành viên tổ hợp tác, HTX và các nông dân tại xã Tân Hưng Tây.
Lớp tập huấn đã giúp người nuôi tôm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cụ thể trong quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rủi ro dịch bệnh, nâng cao năng suất, giảm chi phí giá thành và tăng chất lượng sản phẩm.
Các nông dân ở Tân Hưng Tây còn được hướng dẫn thiết kế và vận hành hệ thống công trình nuôi tôm siêu thâm canh, cách quản lý thức ăn, phòng và trị bệnh, quản lý môi trường ao nuôi..., nhất là nắm vững kỹ thuật nuôi, chăm sóc và quản lý tôm thẻ siêu thâm canh theo công nghệ biofloc.
Hiện nay, ở huyện Phú Tân có HTX nuôi tôm Hòa Hiệp (tại xã Nguyễn Việt Khái) với 16 thành viên, trong đó đa số các thành viên đều thực hiện nuôi tôm siêu thâm canh.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc HTX Hòa Hiệp, khác với các loại hình nuôi tôm còn lại, nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi kỹ thuật cao và phải đầu tư rất lớn.
Ông Luân cho biết, bí quyết thành công của các thành viên trong HTX chính là sự liên kết. Đầu tiên là sự liên kết giữa các thành viên trong HTX để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm.
Ngoài đảm bảo đầu ra thuận lợi, việc liên kết với doanh nghiệp còn giúp cho các thành viên HTX có điều kiện tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi.
Cùng giúp dân địa phương vươn lên
Mặt khác, ông Luân cho biết các doanh nghiệp thuốc thú y thủy sản vẫn thường xuyên tạo điều kiện cho người dân đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm ở những nơi làm ăn hiệu quả, nên bà con có điều kiện chắt lọc, học hỏi.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm siêu thâm canh đã giúp nông dân huyện Phú Tân nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi. |
Tính đến tháng 10/2020, huyện Phú Tân duy trì ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 39.000ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh 577ha.
Trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh, nhờ tham gia các lớp tập huấn nên đa số người nuôi đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất như quy trình cải tạo ao đầm, lựa chọn con giống, ý thức bảo vệ môi trường công cộng, chăm sóc tôm nuôi...
Ở xã Việt Thắng có gia đình ông Nguyễn Anh Bé tiên phong trong việc thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh nhờ sự chịu khó tìm tòi, học hỏi.
Đến nay, ông Bé đã trở thành tỷ phú hiếm hoi nhờ nuôi tôm siêu thâm canh ở địa phương sau chỉ vài năm học hỏi và áp dụng mô hình này. Cách đây 5 năm, khi mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mới khởi phát tại một huyện lân cận trong tỉnh Cà Mau, ông Bé đã tìm đến để học hỏi và trở về áp dụng ở địa phương.
Nhiều năm nay, nhờ nuôi tôm siêu thâm canh nên gia đình ông Bé luôn có lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Để cùng người dân địa phương vươn lên, ông đăng ký thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm Tiến Phát và hiện nay phát triển thành HTX nuôi tôm Tiến Phát.
Với vai trò giám đốc HTX, ông Bé luôn hết mình hỗ trợ bà con cùng làm giàu. “Nuôi tôm quảng canh truyền thống hiệu quả thấp, nên tôi mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thâm canh, sau đó là siêu thâm canh. Có được thành công, tôi vận động bà con địa phương cùng làm và thành lập HTX. Nhìn chung trong HTX, các thành viên đều nuôi thành công, giúp cho kinh tế gia đình và xóm ấp phát triển”, ông Bé chia sẻ.
Thanh Loan