Ở thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh có ông Trần Giá là người tiên phong và làm giàu từ 2 ha đất trồng sầu riêng sạch với 2 loại giống: Sầu riêng Thái và Ri 6.
Liên kết học trồng sầu riêng sạch
Năm ngoái, gia đình ông thu khoảng 5,5 tấn sầu riêng, với giá bán 52 nghìn/1 kg, gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi trên 200 triệu đồng.
Người dân xã Ia Khươl, huyện Chư Păh tham gia tổ liên kết để được học hỏi kỹ thuật trồng sầu riêng sạch. |
Để có kinh nghiệm trồng sầu riêng, ông Giá thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức, đồng thời chịu khó học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài và những nông dân đi trước.
Đặc biệt vào thời điểm quan trọng như lúc cây ra hoa, đậu trái, ông thuê kỹ sư chuyên về cây sầu riêng về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhờ vậy mà vườn sầu riêng của gia đình phát triển tốt, ít sâu bệnh, đạt năng suất cao.…
Bên cạnh đó, ông Giá còn tham gia Tổ liên kết sầu riêng sạch xã Ia Khươl để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng sạch Ia Khươl.
Hồi đầu năm 2020, Hội Nông dân xã Ia Khươl đã vận động người dân tham gia Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch tại thôn Đại An 2. Kết quả, 18 hộ đã tham gia với tổng diện tích gần 16 ha, trong đó có 6,5 ha sầu riêng đang kinh doanh.
Ông Lê Quốc Thanh, thành viên Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch xã Ia Khươl, cho biết nhờ vào tổ liên kết và tham gia các lớp tập huấn đã giúp ông áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc theo quy trình sạch, chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ. Nhờ vậy nên vườn sầu riêng 1 ha của gia đình ông phát triển tốt, năng suất đạt cao.
Theo ông Phạm Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl, để tạo điều kiện cho Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch phát triển thì hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật quy trình trồng và chăm sóc cho các thành viên trong tổ.
Thời gian tới, xã Ia Khươl sẽ tiếp tục vận động bà con ở các thôn khác thành lập thêm tổ liên kết để hình thành vùng chuyên canh sầu riêng sạch. Hiện nay Ia Khươl là một trong những xã có diện tích sầu riêng lớn nhất huyện Chư Păh với hơn 87 ha sầu riêng của khoảng 90 hộ.
Vài năm trở lại đây, khi cà phê không còn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước, nhiều hộ dân ở huyện Chư Păh đã chuyển sang trồng sầu riêng hoặc là trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Cần thêm nhiều lớp tập huấn
Ở xã Hòa Phú, huyện Chư Păh hiện có khoảng 5.300 cây sầu riêng trồng xen canh cà phê, trong đó khoảng 1.200 cây của các hộ tham gia vào tổ liên kết trồng cây sầu riêng sạch.
Khi cây cà phê mất giá, nhiều hộ dân ở huyện Chư Păh đã chuyển sang trồng sầu riêng và họ rất cần được tập huấn kỹ thuật canh tác tốt. |
Chị Nguyễn Thị Nhơn, Tổ phó Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch làng Bới ở xã Hoà Phú, cho biết nhờ trồng gần 200 cây sầu riêng trong vườn cà phê, hiện đã có thu nhập ổn định 500-700 triệu đồng/năm.
“Từ khi tham gia vào Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch, tôi được tham gia các lớp tập huấn và áp dụng quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, dùng các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu sinh học, đảm bảo cho ra nguồn hàng sạch từ sản xuất đến thu hoạch”, chị Nhơn nói.
Hiện nay trung bình 1 ha cà phê ở xã Hoà Phú thì một số các hộ trồng xen được 300 cây sầu riêng. Với giá bán khá cao như hiện nay, mỗi cây sầu riêng cho thu khoảng 2-3 triệu đồng/năm.
Như vậy, 1 ha trồng xen có thể mang về nguồn thu từ 600 triệu đồng đến 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chăm sóc các hộ còn lãi khoảng 400-700 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Do đó, nhiều người dân đã tự chuyển đổi trồng xen sầu riêng để tăng thu nhập cho gia đình.
Có thể nói, trước việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng ở huyện Chư Păh ngày càng nhiều nên người nông dân địa phương rất cần có những lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật chăm sóc loại cây trồng này.
Ông Trần Đắc Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh, cho biết để phát triển cây sầu riêng theo chiều sâu thì thời gian tới, huyện sẽ rà soát và quy hoạch vùng sản xuất tập trung.
Theo đó, huyện sẽ tổ chức liên kết theo tổ nhóm, HTX về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhất là huyện sẽ đẩy mạnh việc tập huấn kỹ thuật trồng theo quy trình VietGap cho nông dân và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng sầu riêng.
Thanh Loan