Từng là nông dân gắn bó với nghề trồng lúa từ lâu, nhưng ông Lê Văn Thành (60 tuổi, xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) vẫn chỉ làm theo kinh nghiệm, năng suất rất thấp, phơi sấy không bảo đảm nên thóc hay bị mốc, hiệu quả kinh tế không cao.
Phát huy những nghề “cũ”
Năm 2020, ông được HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phú giới thiệu học nghề trồng lúa hàng hóa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Từ đó tới nay, ông áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, chăm sóc lúa. Nhờ vậy, lúa ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng tốt hơn, nên có thể bán thóc với giá cũng cao hơn gần 2 lần.
“Hầu hết học viên học nghề trồng lúa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như tôi đều thấy việc học nghề bổ ích. Bản thân tôi cũng áp dụng được nhiều kiến thức mới vào trồng, chăm sóc cây lúa”, ông Thành cho biết.
Theo Ban giám đốc HTX Xuân Phú, hàng năm HTX kết hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Nông nghiệp tổ chức lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng 50- 60 lao động. Trong đó, chủ yếu tập trung vào tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân.
Không chỉ nghề trồng lúa, những năm qua, công tác tác dạy nghề của xã Xuân Phú đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như sự vào cuộc của mô hình kinh tế hợp tác, HTX nên đã "gặt hái" được những thành công, tạo sự lan tỏa cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn.
Xã Xuân Phú có trên 11.600 khẩu, trong đó có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động. Với quan điểm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, kỹ thuật thâm canh cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản…
Sau khóa học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ các lớp đào tạo nghề, đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực tận dụng, cải tạo diện tích đất trũng để đào ao thả cá, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu hiệu quả.
Dạy nghề giúp nông dân nắm vững kiến thức, tự tin sản xuất làm giàu. |
Tương tự, thời gian qua, cơ quan chức năng thị xã Đông Triều, Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo, bám sát địa bàn, đào tạo nghề sát với tình hình thực tế và nhu cầu của bà con địa phương. Nổi bật trong các chương trình dạy nghề có nghề trồng na truyền thống thế mạnh của vùng.
Ông Nguyễn Văn Được (67 tuổi, thôn Tân Thành, xã Việt Dân, thị xã Đông Triều) là một trong những nông dân được lựa chọn tham gia các lớp tập huấn trồng na VietGAP mà HTX na dai Đông Triều kết hợp với các cấp ngành tổ chức.
Lời giải cho “bài toán” việc làm
Qua lớp dạy nghề, ông áp dụng được nhiều kiến thức về cách chọn cây giống, quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây. Nhờ đó, thời gian cây na cho quả được rút ngắn, giá trị kinh tế đem lại cao gấp 2 lần trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu về từ 150 - 200 triệu đồng từ trồng na VietGAP.
Cùng với ông Được, các thành viên HTX na dai Đông Triều và một số hộ liên kết trên địa bàn thị xã Đông Triều đều được tạo điều kiện tham gia các lớp học nghề về nông nghiệp, từ đó có việc làm và tăng thêm thu nhập.
Theo thống kê, trong 10 năm qua, thị xã Đông Triều đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Đông Bắc, Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX và Đầu tư; Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ninh; Trường Cao đẳng Xây dựng Đông Triều tổ chức gần 200 lớp đào tạo nghề với tổng số trên 3.800 học viên.
Các lớp dạy nghề tập trung vào những nghề như: trồng na, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, nghề đan lưới, trồng nấm.... Sau khi được đào tạo, người lao động đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ.
Công tác đào tạo nghề, nhất là nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn những năm qua cũng được tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm. Thông qua các lớp dạy nghề của địa phương và các HTX đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 165.750 lao động, bình quân đạt 33.130 lao động/năm.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động trở lên nhằm duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%.
Để thực hiện hiệu quả, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối kết hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Làm vườn, các HTX sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp để đánh giá nhu cầu học nghề của nông dân, từ đó lựa chọn, tuyển sinh học viên theo đúng đối tượng, đúng nghề đào tạo, ưu tiên cho lao động nông thôn trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Những kết quả thực tiễn cho thấy, để giải quyết bài toán việc làm, các địa phương cần tiếp tục xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm tới, các địa phương cần bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, HTX để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng đối tượng học nghề là nông dân trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ưu tiên cho phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của từng địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Linh Chi