Năm 2015, Hội Làm vườn huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã hướng dẫn 7 hộ gia đình dân tộc Mường ở xã Ái Thượng cải tạo vườn tạp, đầu tư làm giàn trồng gấc ở trên, trồng gừng ở dưới, đồng thời thành lập HTX nông sản Bá Thước.
Dạy nghề theo thế mạnh
Đến nay, sau gần 7 năm phát triển, nhận thấy được tiềm năng của cách làm này, các hộ gia đình đã tích cực tham gia mô hình. HTX nông sản Bá Thước hiện có 17 hộ gia đình tham gia, cùng nhiều hộ nông dân liên kết. Mô hình HTX cũng cho thấy tính ưu việt, phù hợp với nhiều đối tượng lao động địa phương, nhất là lao động nữ.
Chị Trương Thị Huấn, thành viên HTX nông sản Bá Thước cho biết, vào HTX, được các bộ HTX dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, chị và các thành viên mới thấy quy trình trồng gấc, gừng rất đơn giản, ít công chăm sóc, không tốn giống, phân bón. Cây gấc trồng 1 lần mà có thể thu hoạch trong 5 - 6 năm.
"Gia đình tôi và các hộ khác khi vào HTX đều được hướng dẫn làm phân vi sinh từ chất thải gia súc, rác thải nông nghiệp để bón cho gấc, gừng. Đồng thời, các hộ dân đã biết sơ chế gấc để bán. Riêng phần hạt được sơ chế để làm thuốc xoa bóp, còn vỏ quả để làm phân vi sinh", chị Huấn nói.
Bên cạnh các nghề nông nghiệp, huyện Bá Thước cũng đẩy mạnh đào tạo các nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch và các thế mạnh sẵn có của địa phương.
Năm 2018, anh Hà Văn Dậu, xã Thành Sơn đã đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bá Thước liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa đào tạo. Sau 3 năm miệt mài học tập, anh đã tốt nghiệp và đi làm tại một khu du lịch với mức lương khởi điểm hơn 7 triệu đồng/tháng.
Được đào tạo nghề, nắm chắc kỹ năng giúp lao động nông thôn tự tin thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: BLA). |
Anh Dậu chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm lam lũ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Lớn lên, tôi quyết tâm đi học kiếm lấy cái nghề để lo cuộc sống sau này. Hiện nay, tôi đã đi làm, có thu nhập ổn định lo cho bản thân và giúp đỡ bố mẹ”.
Theo thống kê, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có hơn 20.000 lao động trên địa bàn huyện Bá Thước đã được đào tạo nghề, trong đó trên 10.000 lao động có việc làm, hơn 2.000 người đi xuất khẩu lao động.
Đa dạng phương thức đào tạo
Cùng với dạy nghề theo thế mạnh, nhiều địa phương cũng đang tích cực đa dạng hóa phương thức dạy nghề để đáp ứng nhu cầu, năng lực của lao động nông thôn.
Điển hình, những năm qua, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo nghề. Dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, phần lớn học viên đã phát huy được nghề ngay tại địa phương.
Không chỉ tự tin khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế riêng, nhiều học viên sau khi học nghề đã liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện.
Đơn cử, sau khi tham gia lớp học nghề hàn, cắt gọt kim loại của huyện, 5 hộ gia đình ở xã Phú Lộc đã bắt tay thành lập Tổ hợp tác cơ khí Phú Lộc nhằm phát triển sản xuất lớn. Sau hơn 3 năm thành lập, hoạt động của Tổ hợp tác ngày càng ổn định, doanh thu hàng năm đạt trên 500 triệu đồng.
Đặc biệt, với trình độ kỹ thuật cao, thành viên Tổ hợp tác luôn sẵn sàng tiếp nhận những người có nhu cầu học nghề, tạo điều kiện để họ có thể thực tập ngay tại chỗ nhằm tích lũy kinh nghiệm, làm điểm tựa để sau đó xây dựng xưởng sản xuất riêng, hoặc tham gia làm việc tại các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, các trung tâm, trường nghề trên địa bàn huyện Phù Ninh đã mở được 23 lớp đào tạo nghề cho 835 lao động nông thôn. Huyện đã giải quyết việc làm cho 8.548 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 90%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 37%, lao động có việc làm thường xuyên đạt 90%...
Đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Phù Ninh cho biết, để có được những thành công trên, thời gian qua, huyện đã chú trọng hoàn thiện, củng cố mạng lưới các trường, trung tâm dạy nghề. Xây dựng kế hoạch đào tạo đa dạng, phù hợp và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, HTX, doanh nghiệp.
Những kết quả thực tiễn cho thấy dạy nghề theo thế mạnh và đa dạng hóa phương thức đào tạo là hai trong số các yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về đào tạo nghề. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp. Đồng thời, cần đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, kết hợp dạy nghề với việc phát triển các làng nghề truyền thống để truyền nghề.
Công Hoan