Đầm Hà đang là một trong những huyện điểm về đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhờ tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp nghề và vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, đồng thời vận động các HTX, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Tăng cả lượng và chất
Đáng chú ý, không chỉ có vai trò của trường nghề, doanh nghiệp, các HTX cũng đang đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn huyện Đầm Hà.
Đơn cử, HTX Chu Ka, xã Quảng An, được thành lập năm 2018 với 7 thành viên, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã tạo việc làm cho hàng chục lao động, nghệ nhân trên địa bàn, đồng thời giúp địa phương khôi phục lại nghề truyền thống đang có nguy cơ dần bị mai một.
Thôn Mào Sán Cáu là thôn duy nhất trong 7 thôn của xã Quảng An còn nằm trong diện thôn đặc biệt khó khăn, nhưng đang có bước chuyển biến tích cực bởi rất nhiều người tham gia làm sản phẩm “nón Đại Hiệp” nổi tiếng của HTX Chu Ka.
Chị Tằng Tài Múi, người dân tộc Dao, thôn Mào Sán Cáu cho biết: “Nghề đan nón lá ở Quảng An đã có từ rất lâu rồi, từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy cho nghề đan nón, nhưng chủ yếu làm để bản thân dùng là chính. Từ khi có HTX Chu Ka thì nghề này mới phát triển, nón lá được buôn bán theo hướng hàng hóa”.
Hiện, các thành viên HTX Chu Ka làm nón theo dây chuyền. Mỗi người một công đoạn: người chuyên vào rừng tìm vật liệu, người chuyên làm khung nón, người hoàn thành các khâu cuối cùng, nên việc tạo ra sản phẩm nhanh và nhiều hơn so với trước.
Được học nghề, lao động nông thôn tự tin hơn trong quá trình làm việc, vươn lên thoát nghèo làm giàu. |
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Đầm Hà, qua 10 năm triển khai các chương trình đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn trên địa bàn huyện có việc làm sau đào tạo đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra hàng năm.
Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã có 1.965 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 1.736 người có việc làm sau đào tạo. Trong đó, được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng 308 người, tự tạo việc làm 1.428 người.
Đặc biệt, các nhóm học viên thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo... được huyện tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng nghề, từ đó tự tin phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Đào tạo theo chiều sâu
Cũng giống như ở Đầm Hà, thời gian qua, công tác đào tạo nghề nông thôn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cũng được chú trọng thúc đẩy theo chiều sâu. Trong đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, công tác dạy và học nghề ở Định Hóa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và ngày càng phát huy tính thiết thực.
Dù là nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được kiến thức được học, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi tại gia đình và một số HTX, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Từ đó, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Với mong muốn có thêm kiến thức để mở rộng chăn nuôi gà thay thế cho chăn nuôi lợn hiệu quả không cao trong nhiều năm, chị Nông Thị Oanh, xóm Thái Chi, xã Kim Phượng đã đăng ký học lớp phòng và trị bệnh cho gà do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa tổ chức.
Với kiến thức học được, chị Oanh đã vận dụng vào thực tế của gia đình mình. Chị Oanh chia sẻ: "Sau đợt dịch tả lợn hoành hành, nhà tôi phải treo chuồng một thời gian dài. Sau khi tham gia lớp học về chăn nuôi gà, tôi quyết định chuyển sang nuôi gà theo chuẩn VietGAP. Đến nay, gia trại cho thu nhập ổn định từ 60 – 80 triệu đồng/năm”.
Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Định Hóa, thực tế cho thấy việc đào tạo nghề của huyện không gặp quá nhiều khó khăn, cán bộ, giảng viên sẵn sàng đến tận các xã “cầm tay chỉ việc”.
Có rất nhiều chương trình được Trung tâm dạy nghề của huyện đem đến cho lao động nông thôn như nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gà, nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng và nhân giống nấm, trồng rau hữu cơ…
Các chương trình này đã góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, qua đó vật nuôi, cây trồng được kiểm soát tốt hơn, nông dân mạnh dạn đầu tư thành gia trại, vùng hàng hóa.
Từ những thực tế này có thể thấy, sau đào tạo và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, các gia trại, trang trại và các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ trong quy hoạch và hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, công tác tư vấn, quy hoạch về đào tạo nghề tại các địa phương cần bám sát xu hướng và tương tác liên kết giữa các nghề hỗ trợ nhau, hình thành hệ thống dịch vụ kỹ thuật đáp ứng tốt cho sản xuất, kinh doanh. Đây là bước đi quan trọng để các địa phương thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Minh Trí