Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học... thì nay, người dân đã hiểu rõ việc chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Nhiều con số tích cực
Theo Ông Lê Văn Lộc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh Xã hội huyện Hoằng Hoá, hiện trên địa bàn có trên 147.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 120.100 người có khả năng lao động, chiếm 82,26% số người trong độ tuổi lao động.
![]() |
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề đã từng bước giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao chất lượng nguồn lao động. |
Hằng năm, huyện có từ 3.000 đến 3.500 người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm, giải quyết việc làm mới. Trong đó có khoảng 1.000 lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Để công tác ĐTN, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, mở lớp ĐTN, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, thực hiện Đề án “ĐTN cho lao động nông thôn đến hết năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hoằng Hoá đã xây dựng kế hoạch triển khai sát với tình hình thực tế tại địa phương, từng bước giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Trong quá trình ĐTN, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện tập trung đẩy mạnh ĐTN phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới, có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc.
Với cách làm trên, năm 2019, toàn huyện có 5.095 lao động được ĐTN và truyền nghề. Trong đó, số lao động được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ mới là 1.593 người; số lao động được truyền nghề là 3.502 người. Kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt gần 70%.
Năm 2019, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 3.335 lao động, vượt 130 lao động so với kế hoạch tỉnh giao. Qua rà soát, thống kê, hiện có khoảng 30.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện với mức thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống
Ngoài du nhập các nghề mới, huyện Hoằng Hoá còn chú trọng duy trì và mở rộng ngành nghề truyền thống như, nghề mộc xã Hoằng Đạt, mây tre đan Hoằng Thịnh, nghề làm chổi Hoằng Trung... Các ngành, nghề này đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động ngay tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng, nhiều nghề cho thu nhập cao từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
HTX Trung Kiên hiện thu hút khoảng 100 công nhân may túi và 70 lao động nông nhàn đã giúp xóa đói, giảm nghèo tại địa phương |
Đặc biệt, công tác ĐTN, truyền nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa luôn được ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa ĐTN và giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Năm 2019 huyện đã phối hợp với HTX tiểu thủ công nghiệp Trung Kiên (Hoằng Trung), HTX Trường Sơn (Hoằng Hợp), HTX Đông Thành (Hoằng Tiến) tổ chức 22 lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề tiểu thủ công nghiệp cho người lao động. Tại HTX Trung Kiên, 6 tháng đầu năm 2020, mở thêm được 6 lớp học nghề làm lông mi xuất khẩu, móc hộp xuất khẩu với 100 hội viên phụ nữ tham gia học nghề. Chị em phụ nữ nông thôn sau học nghề, tranh thủ lúc nông nhàn làm các nghề để tăng nguồn thu nhập thêm cho gia đình, cải thiện đời sống.
Theo chị Phạm Thị Ngân, Giám đốc HTX Trung Kiên, hoạt động của HTX tuy không mang lại lợi nhuận kinh tế cao, chỉ khoảng 250 triệu đồng/năm nhưng lại tạo việc làm ổn định cho phụ nữ tại địa phương. HTX hiện thu hút khoảng 100 công nhân may túi và 70 lao động nông nhàn trong các hộ gia đình đan, móc các mặt hàng xuất khẩu với thu nhập bình quân 4 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lê Thị Hải, ở thôn 7, xã Hoằng Trung cho hay: “Trước đây tôi ở nhà kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2018, tôi vào làm cho HTX, nên tôi cũng như nhiều chị em khác trong thôn, trong xã đã có việc làm và thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Hy vọng, HTX sẽ ngày càng mở rộng để có thêm nhiều lao động trong xã được ĐTN và giải quyết việc làm”.
“Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân nhận thấy được tầm quan trọng của dạy nghề, giải quyết việc làm, thời gian tới huyện sẽ gắn kết chặt chẽ công tác dạy nghề với giải quyết việc làm, tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế”. Ông Lê văn Lộc cho biết.
Minh Thành