Ổn định cuộc sống nhờ được đào tạo nghề
Tốt nghiệp lớp 12, không theo học tiếp lên Đại học, anh Phạm Văn Thắng, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý tham gia nghĩa vụ quân sự, lên đường bảo vệ tổ quốc. Sau gần 2 năm hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự trở về, anh Thắng được ưu tiên lựa chọn nghề học theo sở thích cá nhân và được miễn học phí.
Từ nguyện vọng của gia đình và khả năng của bản thân, anh Thắng chọn học lớp trung cấp xây dựng tại trường Cao đẳng nghề Hà Nam. Sau 2 năm học và thực tập nghề, anh Thắng được công nhận tốt nghiệp với tay nghề bậc 3.
Ra trường, anh Thắng quyết định tự thành lập đội xây dựng với khoảng 10 người do mình đứng đầu, chuyên nhận các công trình xây dựng nhà ở dân dụng và xây dựng nhà xưởng cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lớp dạy nghề cơ khí tại trường Cao đẳng nghề Hà Nam cho lao động nông thôn để hướng tới xuất khẩu lao động. |
"Qua công tác học nghề và chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, tôi thấy rất hiệu quả. Đây là chính sách giúp cho những người như chúng tôi và những bạn trẻ yên tâm tham gia nghĩa vụ quân sự trở về và có việc làm, thu nhập ổn định”, anh Thắng chia sẻ.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp lớp 12, chị Cao Thị Lý, xã Tiên Hiệp, thành phố Phú Lý, tỉnh Hà Nam đã lựa chọn học nghề may công nghiệp để giải quyết bài toán việc làm và kinh tế cho gia đình. Sau 6 tháng học nghề tại Trung tâm dạy nghề tỉnh Hà Nam và tự rèn luyện bằng máy may tại gia đình đầu tư, chị Lý đã thành thạo vào được nhận vào làm công nhân công ty may Tân Hà, thành phố Phủ Lý, thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng.
"Nhờ chính quyền và ngành Lao động Thương binh và Xã hội tạo điều kiện cho những người dân vùng nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như chúng em để hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm nay em mới có việc làm, thu nhập ổn định, hỗ trợ khó khăn cho gia đình”, chị Lý cho biết.
Đáp ứng nhu cầu của khu vực HTX, Doanh nghiệp
Những câu chuyện người dân nông thôn được đào tạo nghề, từ đó ổn định cuộc sống như của chị Lý, anh Thắng hiện rất phổ biến ở Hà Nam. Đặc biệt, theo mục tiêu của đề án đào tạo nghề nông thôn, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Hà Nam đào tạo nghề cho 32.000 lao động nông thôn, trong đó 6.500 người được đào tạo nghề nông nghiệp, 25.500 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Được biết, tỉnh ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi như người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.
Sau khi tham gia các lớp may công nghiệp, nhiều lao động nông thôn ở Hà Nam đã có việc làm và thu nhập ổn định. |
Theo tìm hiểu, hiện Hà Nam có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, thêu ren, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thú y, trồng cây nông nghiệp chất lượng cao, nghề chăn nuôi.
Năm 2019 toàn tỉnh có 3.850 lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ có việc làm đạt từ 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh được nâng lên 67%, trong đó lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp đạt 53%.
Điều đáng nói, sau khi học nghề, có trên 1.000 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, gần 200 lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hơn 1.000 lao động tự tạo việc làm, 50 người đã thành lập được tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có 22 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo sau 1 năm học nghề, gần 2.000 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá.
Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nam cho biết, hầu hết các nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển các làng nghề truyền thống, người lao động tự tạo việc làm tại chỗ, phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động. Các cơ sở dạy nghề thực hiện liên kết với doanh nghiệp để người lao động sau học nghề được nhận vào làm việc ngay.
Cũng theo ông Hải, năm 2020, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phân bổ kinh phí thực hiện hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề với tổng kinh phí là 6,9 tỷ đồng.
Được biết, để đạt được mục tiêu đã đặt ra, trong năm 2020 này, Hà Nam phải tiếp tục đào tạo cho hơn 3.000 lao đông nông thôn, trong đó trọng tâm là dạy nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp cho những lao động nông thôn trực tiếp làm nông nghiệp.
Phương Nam