Để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, việc dạy nghề là bước quan trọng giúp bảo đảm được năng suất, chất lượng sản phẩm. Những năm gần đây, hợp tác xã (HTX) Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam, xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình - tỉnh Thái Nguyên) đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 130 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Vai trò của HTX với địa phương
HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam thành lập vào tháng 5-2018, vốn điều lệ là 4 tỷ đồng. Những ngày đầu hoạt động, cơ sở may Út Hồng (nay là HTX) gặp không ít khó khăn, đặc biệt là kỹ thuật may do người lao động chủ yếu là người dân làm nông nghiệp trong xã hoặc vừa mới tốt nghiệp THPT.
![]() |
Người lao động tại HTX có rất nhiều thành phần lứa tuổi, từ học sinh phổ thông cho tới lao động trên 35 tuổi trở về từ các khu công nghiệp |
Xác định chất lượng sản phẩm chính là điều kiện cốt yếu để phát triển, HTX đã chủ động mời một số thợ may kỹ thuật cao đã có kinh nghiệm làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp về làm việc tại cơ sở. Cứ như vậy, người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người mới học nghề. Dần dần, cơ sở đã tạo dựng cho mình một tập thể người lao động có tay nghề và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc.
Ngành sản xuất chính của HTX là may xuất khẩu và hàng gia công. Ngoài hơn 30 lao động làm việc tại xưởng may, HTX còn có rất nhiều cơ sở vệ tinh là các hộ dân trong xã với trên 100 lao động, thực hiện may các sản phẩm theo yêu cầu của HTX tại gia đình. Điều đặc biệt, người lao động tại HTX có rất nhiều thành phần trở về từ các khu công nghiệp, tại đây, họ được học nghề và có việc làm ổn định. Trung bình mỗi năm, HTX nhận đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 20-30 học viên, phần lớn những học viên này sau này đều là lao động chính thức của HTX.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX chia sẻ, yêu cầu xuyên suốt của HTX trong quá trình hoạt động là phải làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn giữ vai trò quan trọng để có thể chuyển dịch một bộ phận lao động từ nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ và phục vụ tốt hơn quá trình xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao tay nghề cho người lao động, HTX đã làm việc với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện và một số trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hướng tới đào tạo bài bản, đồng bộ cho người lao động tại HTX.
Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động trong thời gian tới, HTX xác định tập trung vào đào tạo nghề, học nghề đối với lao động nông thôn, nhất là vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề mở các lớp ngắn và dài hạn trên địa bàn các xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.
![]() |
Để nâng cao tay nghề cho người lao động, HTX thường xuyên phối hợp với các Trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. |
Chú trọng phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động thông qua việc tuân thủ các chế độ, quy định của Nhà nước về nghỉ thai sản, thưởng lễ, Tết, làm thêm giờ, khám sức khỏe định kỳ...
Ngoài may mặc, chăn nuôi, ấp nở con giống cũng là một lĩnh vực quan trọng của HTX. Tổng diện tích chăn nuôi của HTX đạt gần 3ha. Trong đó, HTX hiện có khoảng 1.800 lợn thịt, 200 lợn nái và khoảng 25 lợn đực; gà đẻ trứng đạt gần 10.000 con. Trung bình mỗi ngày, HTX ấp nở được khoảng 1 vạn gà con. Được biết, khu vực chăn nuôi của HTX hiện có 12 lao động thường xuyên.
Bên cạnh việc đánh giá về hoạt động của HTX, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho biết: HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam là một trong số hơn 40 HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện.
Việc liên kết, phát triển nghề may công nghiệp tại nông thôn giúp người lao động không phải làm việc ở các khu, cụm công nghiệp xa nhà. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, giúp người dân có được thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Chúng tôi đánh giá cao hoạt động cũng như hiệu quả mà mô hình kinh tế hợp tác này đang mang lại và mong rằng sẽ phát triển thêm nhiều HTX có sức lan tỏa trong cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Hòa nói.
Hoàng Hằng