Tham gia HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, bà Lê Thị Liên, thôn Thái Bình, xã Tân Thọ được dạy nghề đan lát thủ công và tạo công ăn việc làm ổn định.
Thêm nghề, thêm thu nhập
Bà Liên hồ hởi chia sẻ: "Không chỉ tôi mà nhiều chị em trong thôn, trong xã biết thêm nghề mới, có thêm thu nhập 1 - 3 triệu đồng/tháng".
Huyện Nông Cống phát triển thêm nhiều ngành nghề mới ngoài sản xuất nông nghiệp. |
Được thành lập vào năm 2010 từ một tổ học nghề, HTX Thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đến nay đã quy tụ và tạo việc làm cho 400 hộ tại các xã Tân Thọ, Tân Khang, Công Bình (huyện Nông Cống), Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương) và Đông Anh (Đông Sơn).
Đối tượng lao động chủ yếu ở nông thôn, quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ, đặc biệt có tới hơn 100 hội viên là người khuyết tật tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho HTX.
Cùng với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước, HTX thường xuyên tự tổ chức các lớp học cho các học viên mới và nâng cao tay nghề, kỹ năng cho các tổ trưởng đội nhóm. Điển hình như trong năm 2018, HTX mở được 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và năm 2019 mở được 5 lớp (2 lớp dạy nghề cho người khuyết tật và 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn).
Trong thời gian 3 tháng học nghề, người lao động vẫn được trả công nếu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu, lao động lành nghề thu nhập từ 1 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Sự thành công của HTX thủ công Mỹ nghệ Tân Thọ là kết quả của hướng đi đúng đắn trong công tác dạy nghề ở địa phương. Đại diện huyện Nông Cống cho biết, cùng với việc đào tạo và phát triển các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, huyện đã phát triển thêm nhiều ngành nghề mới, như: giầy da, đan chao đèn lồng, đan sọt cói, thảm cói xuất khẩu... nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động.
Theo đó, mỗi năm, các đơn vị chức năng trong huyện, các HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã tổ chức mở hàng chục lớp đào tạo nghề mới cho người dân.
Thiết thực giải quyết việc làm
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, những năm gần đây, huyện Nông Cống đang từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ chú trọng đào tạo nghề cho người dân. |
Theo thống kê, huyện Nông Cống hiện có trên 122.800 người trong độ tuổi lao động, chiếm 67,15% dân số toàn huyện, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 75%.
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Nông Cống đã xây dựng kế hoạch triển khai sát với tình hình thực tế tại địa phương, từng bước giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Huyện xác định đào tạo nghề là một trong những trọng tâm để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, trong quá trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới; có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trong 3 năm 2017 - 2019, huyện phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức được 33 lớp đào tạo nghề cho gần 1.200 lao động nông thôn theo Quyết định 1956, trong đó 82% số lao động sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, huyện sẽ tổ chức 10 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, đan lát thủ công và nuôi tôm thẻ chân trắng cho 320 lao động nông thôn, trong đó có 2 lớp đào tạo nghề mây tre đan cho người khuyết tật.
Ông Lê Đình Bốn, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, nhấn mạnh: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động này, ngoài bố trí ngân sách phù hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, huyện Nông Cống còn khuyến khích các cơ sở dạy nghề, HTX tích cực đào tạo, nhân rộng các nghề đem lại hiệu quả gắn với quy hoạch vùng sản xuất và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, tạo niềm tin trong nhân dân khi tham gia học nghề. Mục tiêu của huyện đến năm 2025 là đào tạo và giải quyết việc làm mới cho 15.000 lao động nông thôn.
Thy Lê