Ban đầu từ các thao tác rèn, tán đơn giản, lớn lên các em tiếp tục học chạm các đường nét hoa văn, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, rồi đến các đồ có giá trị lớn như lọ lộc bình, bình hoa, tranh đồng, lư đồng, hoành phi câu đối…, hoặc ấm, chén, bát, đũa, hàng lưu niệm chất liệu bằng bạc. Theo thời gian, trai làng ai cũng biết làm nghề.
Sức sống của làng nghề truyền thống
Đi bộ trên đường làng chạm bạc Đồng Xâm mới cảm nhận rõ sức sống của một làng nghề kim hoàn truyền thống nổi tiếng cả nước và quốc tế. Những ngôi nhà cao tầng san sát hai bên đường, rộn rã tiếng búa, tiếng đục, tiếng cười nói râm ran khắp ngõ xóm, đường thôn...
Nghệ nhân ưu tú Phạm Quang Ngừng, Giám đốc HTX Phú Lợi cho biết, trải qua 6 thế kỷ thăng trầm, nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn giữ được những nét tinh hoa truyền thống của làng nghề. Các sản phẩm kim hoàn ở đây có hoa văn tinh xảo, độc đáo, bố cục, trang trí tinh vi mà cân đối, hài hòa, thể hiện rõ chủ đề.
Giám đốc HTX chạm bạc Phú Lợi Phạm Quang Ngừng trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh Doanh về kỹ thuật chế tác hàng mỹ nghệ. |
Nghề kim hoàn tại làng Đồng Xâm được chia thành 4 công đoạn: Trơn, đấu, đậu, chạm. Trơn là gò những tấm đồng dát mỏng thành hình khối của sản phẩm. Đấu là ghép các chi tiết lại với nhau. Đậu là kéo những sợi bạc, thanh đồng và uốn thành những chi tiết trang trí. Chạm là chạm trổ các chi tiết hoa văn. Công đoạn chạm đòi hỏi sự tập trung, khéo léo và mất nhiều thời gian nhất.
Từ những thanh đồng, thỏi bạc, qua bàn tay tinh tế, khéo léo của các nghệ nhân, người lao động của làng nghề, đã trở thành những sản phẩm có giá trị về kỹ thuật, mỹ nghệ và mang lại giá trị kinh tế lớn.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, không ít làng nghề truyền thống đã bị mai một và nghề bị thất truyền, nhưng làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Có được thành quả này là do công tác dạy nghề được chú trọng và bản thân người dân trong làng ai cũng ý thức về học nghề và lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em trong làng đã cùng ăn cùng ở, quan sát cha anh và những người thân trong gia đình thực hiện các thao tác rèn, tán, chạm để tạo hoa văn. Tứ trí tò mò đến sự hướng dẫn, dạy và truyền nghề trực tiếp, tận tình của những người đi trước đã thôi thúc các em có tinh thần học tập và "giữ lửa" cho nghề truyền thống.
Trưởng thành, ai cũng biết làm nghề
Chính vì những người đi trước có tay nghề ai cũng muốn truyền nghề cho con cháu và con cháu ai cũng có ý thức học nghề, nên thợ chạm bạc Đồng Xâm hiện nay không chỉ "quanh quẩn" ở trong làng, nhiều thợ giỏi đã tỏa đi khắp mọi miền đất nước, vừa sản xuất vừa kinh doanh, vừa mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Dát những tấm đồng, bạc mỏng là công đoạn khó và tỉ mỉ nên rất cần những người thợ khéo tay, có kinh nghiệm. |
Không chỉ có sự vào cuộc của các nghệ nhân, thời gian qua, Ban Khuyến công của tỉnh Thái Bình cùng lãnh đạo của sở, ngành địa phương đã tạo điều kiện, bố trí ngân sách để làng tổ chức lớp dạy cho những người trẻ biết đến nghề truyền thống.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Quang Ngừng, Giám đốc HTX Phú Lợi cho biết, ngoài tham gia dạy các lớp học nghề, bản thân ông còn trực tiếp đào tạo hàng trăm lao động có tay nghề tại HTX. Sau khi thành thạo, có người tự đứng ra mở cơ sở tại làng nghề, có người đi địa phương khác mở cơ sở, số ít còn lại làm việc tại HTX. Hiện, HTX Phú Lợi có 42 thành viên và cũng là 42 lao động lành nghề.
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm hiện chỉ có 1 HTX chạm bạc Phú Lợi, còn lại gần 100 cơ sở sản xuất là hộ gia đình. Tuy nhiên, có thể nói, rất hiếm có làng nghề nào có số lượng lao động đông đảo như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.
Nghệ nhân Tạ Văn Úy, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Thái Úy cho biết, với tinh thần "ly nông nhưng không ly hương", đến nay làng nghề có 3.000 lao động duy trì nghề truyền thống và hàng trăm người mở rộng đi làm ăn tại các vùng đô thị lớn.
“Đây cũng là làng nghề được Trung ương Hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc”, nghệ nhân Tạ Văn Úy chia sẻ.
Nhận thấy được giá trị của làng nghề chạm bạc truyền thống, ngày 8/12/2015, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở KH&CN Thái Bình đã công bố nhãn hiệu tập thể “Chạm bạc Đồng Xâm”. Đây là sự ghi nhận đối với sự phát triển và thương hiệu của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.
Có thể thấy, để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, bên cạnh việc phát huy nét tinh hoa độc đáo của làng nghề, các sản phẩm còn phải có sự kết hợp hài hòa với các sản phẩm của những làng nghề thủ công khác để tăng giá trị của sản phẩm. Đặc biệt là việc đào tạo đội ngũ thợ lành nghề kế cận được quan tâm sẽ giúp cho làng nghề lưu truyền mãi mãi.
Phạm Duy