Vào năm ngoái, hay tin Hội Nông dân xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) kết hợp với Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức khóa học sơ cấp nghề “Kỹ thuật trồng và vi nhân giống hoa ứng dụng công nghệ cao”, là nông dân đang quan tâm đến nghề này nên chị Nguyễn Thị Ngọc Sương đã nhanh tay đăng ký.
Đưa lớp nghề đến gần với nông dân
Chị Sương cho biết: "Tới khi tham gia khóa học sơ cấp về nhân giống hoa, bản thân tôi mới có được những kiến thức nền tảng, vững chắc về nghề mình đang làm".
Nông dân học nghề đi tham quan mô hình thực tế tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. |
Theo bà Hồ Thanh Hương - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn Tây, những khoá học dành cho nông dân thật sự có ý nghĩa trong xu hướng nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển, nông dân lại ít có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức bài bản.
Sau khóa học, các học viên được hướng dẫn vận dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình, đặc biệt là góp phần vào việc phát triển Tổ hợp tác hoa kiểng An Nhơn Tây.
Trong tháng 9 vừa qua, Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã tổ chức liên tiếp 2 lớp dạy nghề “Sản xuất nấm bào ngư” và “Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau tại nhà” cho nông dân xã Đông Thạnh và xã Thới Tam Thôn thuộc huyện Hóc Môn.
Trước đó, vào tháng 6/2020, Trung tâm cũng tổ chức lớp sơ cấp nghề “Kỹ thuật trồng và vi nhân giống hoa ứng dụng” ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; khóa học “Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau tại nhà” cho nông dân xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Hiện nay, Trung tâm có các lớp dạy nghề dưới 3 tháng cho nông dân, lao động nông thôn ở TP.HCM nhằm giúp họ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, như: Kỹ thuật nuôi tôm nước lợ thương phẩm; Kỹ thuật nuôi cá cảnh đẻ con; Nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô; Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan; Sản xuất nấm bào ngư; Sản xuất rau ăn quả; Sản xuất rau ăn lá; Bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cho lao động nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Ngoài mô hình đào tạo nêu trên, chính quyền TP.HCM cũng đang khuyến khích việc đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho các thành viên trong các mô hình kinh tế hợp tác để ứng dụng nông nghiệp cao.
Đào tạo phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Nhờ các thành viên tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi đã canh tác hiệu quả hơn 80 ha đất trồng rau, với sản lượng mỗi năm khoảng 5.400 tấn rau, củ các loại theo tiêu chuẩn VietGAP.
TP.HCM đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đào tạo lao động nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. |
Giám đốc Nguyễn Quốc Toản cho biết, để đáp ứng số lượng lớn rau, củ các loại cho hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, 43 thành viên HTX thống nhất phải ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo chủ trương của TP.HCM.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ cho HTX bằng nhiều chương trình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như tập huấn cho các thành viên HTX làm chủ các công nghệ mới…
Được biết, UBND TP.HCM đã giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong năm 2020.
Trong đó, chú trọng đào tạo cho lao động ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp cũng như lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong công tác đào tạo nghề này, UBND TP.HCM đặc biệt chú trọng tới các thành viên HTX, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, sản xuất công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Hơn nữa, ưu tiên tổ chức đào tạo lao động ở các vùng khó khăn, lao động hiện đang làm việc trên địa bàn thành phố có nhu cầu học nghề để trở về quê hương sản xuất nông nghiệp.
TP.HCM cũng đặt ra chỉ tiêu đào tạo, cụ thể là 70% số lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên HTX, trang trại, lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 10% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương.
Thanh Loan