Đìa nuôi con Sá sùng của gia đình ông Trần Văn Gần, thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh là một trong số những hộ có số lượng nuôi Sá sùng lớn. Hiện tại gia ông đang nuôi với tổng diện tích 9.000m2 Sá Sùng.
Hiệu quả từ các lớp chuyển giao kỹ thuật
Ông Gần cho biết, sau khi tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng do Hội Nông dân xã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 Nha Trang tổ chức, ông đã áp dụng ngay phương pháp trên.
Đến nay, sau hơn 3 tháng áp dụng, ông nhận thấy phương pháp trên cho hiệu quả rất khả quan, mật độ có thể lên đến hàng trăm con Sá Sùng/m2.
Nhờ các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng nấm đã giúp Vạn Ninh hình thành nhiều mô hình trồng nấm linh chi có hiệu quả. |
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, chia sẻ: Trước đây nghề nuôi Sá sùng của địa phương còn hạn chế vì thiếu nguồn giống, nhưng kể từ sau khi tham gia lớp tập huấn, bà con đã áp dụng phương pháp khoa học trong nhân giống, giúp mang lại hiệu quả cao hơn.
Sá sùng được cho là loài nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Việc nhân giống Sá sùng thành công hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân.
Cũng từng tham gia học tập, tập huấn các lớp dạy nghề ngắn hạn do chính quyền địa phương tổ chức, ông Lê Thất Hiệp, ở thôn Long Hòa, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh là một trong những hộ nông dân tiên phong trồng nấm linh chi.
Và gần đây ông Hiệp bắt đầu giới thiệu đến người tiêu dùng về nấm thương phẩm linh chi trồng trong nhà kín. Bên cạnh đó, gia đình ông còn trồng thành công nấm bào ngư, nấm rơm.
Ông Hiệp cho biết việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm đã giúp ông áp dụng vào thực tế để sản xuất có hiệu quả. Hiện nay “cơ sở nấm Hiệp Thúy” của gia đình ông đã giới thiệu đến thị trường nhiều sản phẩm nấm chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng.
Với 80% dân số trên địa bàn xã chủ yếu sinh sống bằng nghề nông – lâm – ngư nghiệp, thời gian qua cán bộ Trung tâm học tập cộng đồng xã Vạn Long đã chú trọng đến việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp nhằm giúp nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất để nâng cao đời sống.
Giúp nhau tạo việc làm
Từ những lớp học nghề hay các lớp tập huấn ngắn hạn như vậy dành cho nông dân, lao động nông thôn ở các xã, đã giúp huyện Vạn Ninh hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, như mô hình nuôi Sá sùng, mô hình trồng nấm, mô hình đan lát mây - tre - lá…
Nông dân trồng tỏi ở Vạn Ninh rất cần tham gia các lớp tập huấn để nâng cao hiệu quả trồng trọt |
Không những vậy, sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn trong huyện không những tự tạo được việc làm cho mình mà còn tạo việc làm cho người khác.
Trong năm 2020 huyện Vạn Ninh đặt ra mục tiêu đào tạo nghề cho 485 lao động nông thôn. Nhất là huyện này đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện còn rà soát người lao động để đào tạo nghề đạt hiệu quả. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí và hỗ trợ tín dụng cho người học nghề là lao động nông thôn. Đồng thời, huyện còn đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Riêng 7 tháng đầu năm 2020, huyện Vạn Ninh đã tổ chức 7 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 220 người tham gia. Trong đó, tổ chức 3 lớp nghề mây - tre - lá tại xã Xuân Sơn và Vạn Hưng, 2 lớp nghề sửa chữa máy nông - ngư - cơ tại xã Vạn Thạnh và 2 lớp xây dựng tại xã Vạn Phú.
Vạn Ninh hiện có 12 HTX nông nghiệp và 15 Tổ hợp tác hoạt động ở một số ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt như: cây ăn quả, tỏi, lúa giống, bò, gà, tôm hùm...Và việc đào tạo nghề để phát triển các mô hình kinh tế hợp tác rất cần được thúc đẩy nhiều hơn.
Các HTX, Tổ hợp tác và trang trại ở Vạn Ninh đang thu hút khoảng 6.400 thành viên. Đây được cho là một con số còn khiêm tốn so với một địa phương có dân số khoảng 130.000 người, có cơ cấu ngành nghề chủ yếu là nông, ngư nghiệp.
Chính vì vậy, huyện Vạn Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo HTX, Tổ hợp tác.
Thanh Loan